Giá gà rớt thảm, chủ trại mỗi tháng lỗ nửa tỷ đồng
Theo ước tính của anh Lê Thành Tài, đại diện một công ty chăn nuôi có sản lượng khoảng 5.000 con gà/ngày ở Đồng Nai, đơn vị anh đang chịu thiệt hại khoảng 500 triệu đồng/tháng do giá cả và sức mua đều giảm, chuồng trại bỏ trống nhiều.
Thậm chí, khi bán gà tự do trên thị trường, không theo các hợp đồng cung ứng dài hạn, anh ví von cứ nuôi 2 chuồng gà thì lỗ một chiếc ô tô trong giai đoạn này.
Trước Tết, giá gà trắng công nghiệp tăng mạnh, có nơi lên đến 38.000-39.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ 8.000-9.500 đồng/kg vẫn không có người mua. Các hợp đồng cung ứng lớn hiện giữ được mức giá 24.500-26.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều chủ trại cho biết đơn vị thu mua đang đề nghị giảm giá hợp đồng.
Thậm chí, giá gà ta thả vườn trước Tết lên đến 55.000-65.000 đồng/kg, nay giảm còn 25.000-28.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá vịt chỉ còn 18.000-20.000 đồng/kg, giảm khoảng 60% so với hơn một tháng trước. Hiện nay, trứng gà được bán với giá 1.200 đồng/quả, còn trứng vịt 1.700 đồng/quả, giảm khoảng 400 đồng/quả.
Nhận định về tình trạng này, anh Tài cho rằng nguyên nhân chủ yếu là tình hình dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp, trường học chưa hoạt động trở lại. Lượng gà bán cho các bếp ăn công nghiệp giảm mạnh, trong khi một bộ phận người tiêu dùng cá nhân vẫn chưa kết thúc tháng giêng ăn chay.
Chưa kể, thời điểm sau Tết các năm 2018, 2019, giá gà duy trì mức cao. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi kỳ vọng vào năm 2020 này nên tăng sản lượng gà.
Không chỉ tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương, các vùng chăn nuôi gia cầm lớn ở phía Bắc cũng chịu thiệt hại nặng dưới tác động kép của dịch Covid-19 và dịch cúm gia cầm A/H5N1 và H5N6.
Từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 10 ổ dịch cúm gia cầm tại 5 tỉnh, TP gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Tổng số gia cầm bị buộc tiêu hủy lên đến hơn 43.000 con.
Theo dự báo của ngành thú y, dịch cúm gia cầm có thể gia tăng lây lan trong thời gian tới nếu không được kiểm soát tốt, do ảnh hưởng của thời tiết và việc đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm để thay thế thịt lợn. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm trái phép giữa các tỉnh, TP cũng là nguy cơ lớn đối với ngành chăn nuôi trong điều kiện dịch bệnh.
Vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, TP.HCM cũng gửi văn bản yêu cầu các Sở, ngành và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra.
Một trong những chủ trương được tập trung chỉ đạo là xử lý triệt để các điểm kinh doanh gia cầm trái phép. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn tồn tại 337 điểm tại 147 chợ và khu vực thuộc 20 quận, huyện.