Giá heo hơi 10/7: Nam khởi sắc, Bắc tiếp đà tăng

10/07/2019 12:20 GMT+7
Theo khảo sát của Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 10/7 ở các miền vẫn có những diễn biến trái chiều, trong khi miền Bắc, miền Trung tiếp đà tăng thì giá heo hơi ở miền Nam vẫn ở mức thấp dù đã có những dấu hiệu khởi sắc. Hiện, nhiều địa phương đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn giúp người dân tiêu thụ heo, chuyển đổi sản xuất.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc: Còn tăng đến cuối năm

Giá heo hơi hôm nay ở miền Bắc 10/7 tiếp tục những ghi nhận những tín hiệu vui từ thị trường khi đã có hàng loạt các tỉnh thành cùng tăng giá với mức tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Điển hình như ở Tuyên Quang, giá heo hơi tăng 2.000 đồng/kg, đạt 39.000 đồng/kg; Phú Thọ tăng 3.000 đồng/kg, chạm mốc 40.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá heo hơi tại Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình đều ổn định ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg. 

Duy chỉ có tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, giá heo hơi thấp hơn so với các địa phương còn lại, đạt 34.000 - 37.000 đồng/kg.

Sức mua tăng đã giúp giá heo hơi hôm nay ở các tỉnh miền Bắc đối với heo hơi biểu cân 80 – 100 kg giao động ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg, mức giá được đánh giá rất tốt ở thời điểm này và đang cao nhất cả nước.

Theo dự báo của ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), giá heo hơi tại miền Bắc còn tăng từ nay đến cuối năm do lượng heo trong dân không còn nhiều.

Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn khuyến cáo nông dân không nên tái đàn heo ngay lúc này, mà phải chuyển sang các đối tượng vật nuôi khác, như gia cầm, trâu bò vì nguồn virus vẫn còn tồn lưu trong không khí, chỉ cần có điều kiện sẽ bùng phát trở lại.

Giá heo hơi hôm nay tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung tăng nhẹ, trong khi giá heo hơi tại miền Nam cũng có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: I.T

Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên: Tăng nhẹ

Theo ghi nhận của Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 10/7 tại miền Trung, Tây Nguyên tăng nhẹ. Trong đó, giá heo hơi tại Nghệ An ghi nhận có sự tăng nhẹ lên mức 38.000 đồng.kg.

Trong khi giá heo hơi Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk vẫn ở mức thấp, từ 30.000 - 34.000 đồng/kg thì tại một số địa phương như Khánh Hòa, Ninh Thuận giá heo hơi đã chạm mốc 40.000 - 42.000 đồng/kg.

Giá heo hơi chưa có sự cải thiện đáng kể nên nhiều địa phương như Thừa Thiên - Huế, Phú Yên... đang khuyến khích người dân chuyển đổi sang các con vật nuôi khác như gà, vịt, trâu bò để cung ứng nguồn thực phẩm cho thị trường. 

Tại Quảng Nam, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đang hướng dẫn chính quyền các xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi nào mới để thúc đẩy tiêu thụ thịt heo, giúp người dân giảm bớt khó khăn.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 8 xã, phường gồm Duy Trung, Duy Sơn (Duy Xuyên), Điện Ngọc, Điện Dương (Điện Bàn), Tam Thanh (Tam Kỳ), Tiên Phong (Tiên Phước), Tam Vinh (Phú Ninh), Sơn Viên (Nông Sơn) không phát sinh ổ dịch mới.

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Nam. Ảnh: Tâm Giang.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam: Có dấu hiệu khởi sắc

Sau nhiều ngày chìm đắm với mức giá thấp, giá heo hơi hôm nay 10/7 tại các tỉnh miền Nam có dấu hiệu khởi sắc, dù vẫn thấp hơn các vùng miền khác.

Cụ thể, tại Đồng Nai, giá heo hơi hôm nay đạt 28.600 đồng/kg, tăng nhẹ so với ngày hôm qua. Trong khi đó, giá heo hơi tại TP.Hồ Chí Minh vẫn đạt mốc 35.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại một số tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng đạt 31.000 - 32.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo hơi tại Bến Tre chỉ đạt 29.000 đồng/kg. 

Điều đáng lo ngại là, ý thức phòng dịch tả lợn châu Phi của người dân nhiều địa phương còn kém, khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan.

Tại thủ phủ nuôi heo Đồng Nai, kể từ khi bùng phát vào đầu tháng 5, toàn tỉnh hiện có 33 xã, phường thuộc 8 huyện, thành phố xảy ra dịch tả heo châu phi với gần 47.000 con heo bị tiêu hủy. 

Nguyên nhân lây lan chủ yếu là do các trang trại sử dụng nguồn thức ăn thừa; việc vận chuyển heo, thịt heo chết, mỡ động vật diễn biến phức tạp,  gần đây, cơ quan chức năng của tỉnh đã bắt được 3 trường hợp vận chuyển mỡ, nội tạng động vật, heo chết.

Chưa kể, ở Đồng Nai đã xuất hiện tình trạng khi xảy ra dịch, chủ trại nuôi đem heo chết rải ra khắp các ô chuồng không bị dịch để cả đàn được hỗ trợ. Có trường hợp họ không chăm sóc heo nữa mà cứ để cho heo chết dần khiến công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Nếu không nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống thì dịch tả lợn châu Phi sẽ còn diễn biến phức tạp, gây tổn hại đến đàn heo, khiến người nông dân đã khó càng thêm khó. 

 

 

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục