Giá heo hơi tăng mạnh, cổ phiếu ngành nuôi heo vẫn èo uột
Giá heo hơi tăng mạnh
Trong những ngày cuối tháng 12, giá heo hơi có xu hướng đảo chiều sụt giảm. Giá heo hơi hôm nay 30/12 giảm khoảng 7.000 đồng/kg và mất mốc 100.000 đồng/kg. Thế nhưng, tính chung cả tháng, giá heo hơi vẫn tăng khá mạnh.
Cụ thể, so với giá ngày 30/11, giá heo hơi đã tăng khoảng 23.000 đồng/kg, tương ứng 33%. Hiện, giá heo hơi xuất chuồng ở miền Bắc dao động từ 90.000 đồng/kg tới 95.000 đồng/kg. Ninh Bình là địa phương có giá cao nhất miền Bắc khi đạt 95.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, mức giá cao nước không thuộc về Ninh Bình mà thuộc về Trà Vinh. Dù hôm nay giảm 1.000 đồng/kg nhưng giá heo hơi tại Trà Vinh vẫn đạt 96.000 đồng/kg. Còn ở các tỉnh khác thuộc miền Nam, giá heo hơi dao động trong khoảng từ 88.000- 96.000 đồng/kg.
Miền Trung là khu vực giá heo hơi thấp nhất cả nước, dao động từ 80.000 đồng/kg tới 90.000 đồng/kg. Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Bình Thuận ghi nhận mức giá thấp nhất miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Giá heo tại những khu vực này giao dịch ở mức giá 80.000 - 85.000 đồng/kg.
Trả lời báo giới chiều 18.12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận giá heo hơi tăng phi mã tại Việt Nam. Đồng thời ông cũng khẳng định không chỉ ở Việt Nam giá mặt hàng này còn "leo thang" ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, đáng chú ý là Trung Quốc. Ở đất nước tỷ dân, giá heo hơi thậm chí tăng lên 150.000 đồng/kg - 170.000 đồng/kg.
Trước đó, Bộ Công thương đưa ra dự báo dịp Tết Nguyên đán nhu cầu thịt heo của cả nước có thể lên đến 600.000 tấn. Nhu cầu cao nhưng áp lực không quá lớn vì ông Tiến cho biết số heo hiện có trên cả nước là hơn 25 triệu con. Điều cần thiết là ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng dịp Tết để tăng giá.
Cổ phiếu ngành chăn nuôi heo èo uột
Bất chấp giá heo hơi tăng mạnh và khó có thể giảm giá trong dịp Tết nhưng giá cổ phiếu ngành chăn nuôi heo không được thơm lây. Trước đây, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) được đánh giá là "anh cả" ngành này. Thế nhưng, kể từ khi cổ phiếu MML của Công ty cổ phần Masan MEATLife, Dabaco trở nên "tí hon" so với Masan MEATLife.
Xét về vốn, Masan MEATLife là ông lớn khi có hơn 3.243 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 911 của Dabaco. Còn xét về vốn hóa thị trường, giá trị Masan MEATLife cao gần gấp 10 Dabaco khi 1 bên đạt 2.196 tỷ đồng, 1 bên lên tới 21.373 tỷ đồng.
Nhưng dù lớn hay nhỏ, cả DBC và MML đều cùng chung số phận giá cổ phiếu sụt giảm bất chấp giá heo hơi tăng. Trong đó, MML gây thất vọng hơn cả. MML chào sàn ngày 9/12 với mức giá cao ngất ngưởng 80.000 đồng/CP. Tuy nhiên, giá heo hoàn toàn không hỗ trợ cho MML. Ngay trong phiên chào sàn, MML đã giảm sâu 10,10% xuống chỉ còn 69.900 đồng/CP.
Kể từ đó đến nay, MML đã trải qua 16 phiên giao dịch, trong đó có 6 phiên sụt giảm. Đóng cửa phiên 27/12, MML dừng ở mức 65.900 đồng/CP sau khi giảm 14.100 đồng/CP, tương ứng 17,6% so với phiên chào sàn. Điều đó có nghĩa vốn hóa thị trường Masan MEATLife hao hụt 4.573 tỷ đồng.
Cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, công ty mẹ của Masan MEATLife cũng không được heo hơi "cứu giá". Trong tháng 12, MSN giảm khá mạnh. Tuy nhiên, MSN giảm mạnh là do sự tác động của những thương vụ sáp nhập khủng.
Sau gần 1 tháng giao dịch, cổ phiếu MSN giảm 12.400 đồng/CP xuống 57.600 đồng/CP, tương ứng 17,7%. Vốn hóa thị trường Masan vì vậy mà giảm 14.495 tỷ đồng.
Không giảm sâu như MML và MSN nhưng DBC cũng trong chiều hướng đi xuống. Đóng cửa phiên 27/12, DBC dừng ở mức 24.100 đồng/CP, giảm 100 đồng/CP so với phiên đầu tiên của tháng 12. Như vậy, sức nóng trên thị trường heo hơi không lan tỏa tới thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, cổ phiếu VLC của Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam cũng sụt giảm. Đóng cửa phiên 27/12, VLC dừng ở mức 17.000 đồng/CP sau khi giảm 400 đồng/CP, tương ứng 2,3%. Tuy nhiên, doanh thu từ mảng chăn nuôi heo tại đây chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 2%.