Giá khí đốt vượt đỉnh năm 2022 sau khi Nga “khoá” van

07/03/2022 13:25 GMT+7
Hôm nay, giá khí đốt chính thức vượt đỉnh vào đầu tháng 2/2022. Sự kiện diễn ra chỉ vài ngay sau khi Nga quyết định khoá đường khí đốt chính từ nước này dẫn đến châu Âu.

Ghi nhận vào lúc 10h GMT+7 ngày 07/03, giá khí đốt thế giới đang được giao dịch ở mức 5,06 USD/ triệu đơn vị tiêu chuẩn Anh (MMBtu). 

Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2022, đánh dấu lần đầu vượt đỉnh năm của giá khí đốt. Theo đó, từ 01/01/2022 đến nay, giá khí đốt đã tăng 61% từ mức giá ban đầu là 3,1 USD/ MMBtu.

Giá khí đốt vượt đỉnh năm 2022 sau khi Nga “khoá” van - Ảnh 1.

Biến động Giá khí đốt ngày 07/03. Nguồn: Trading economics

Tuần trước, chính phủ Nga đã dừng đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu như một hành động đáp trả sự trừng phạt từ phương Tây.

Nhà điều hành vận chuyển khí đốt Gascade (Đức) thông báo đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu, vốn thường dẫn khí đốt từ Nga đến Tây Âu, đã dừng hoạt động vào ngày 3-3.

Dù đường ống khí đốt chính chạy từ Nga sang châu Âu này ngừng hoạt động, song lượng khí đốt được đấu thầu cho nguồn cung cấp ở cả hai hướng vẫn được giữ nguyên.

Theo Gascade, khoảng 10 tiếng trước khi ngừng hoạt động, nguồn cung cấp khí đốt đi về hướng Tây Âu của đường ống này ở mức khoảng 17,5 triệu kWh/h từ điểm đo lường Mallnow ở biên giới Đức - Ba Lan.

Dữ liệu do Gascade cung cấp cũng cho thấy lượng khí đốt được đấu thầu trong trung bình 24 giờ cho nguồn cung hướng về phía Tây Âu sẽ vào mức 6,4 triệu kWh/h. Trong khi lượng khí đốt được đấu thầu vận chuyển về phía đông là 6,1 triệu kWh/h.

Trong khi đó, Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết hoạt động xuất khẩu khí đốt của công ty này sang châu Âu thông qua lãnh thổ Ukraine vẫn không bị ảnh hưởng và sẽ tiếp tục vận chuyển khí đốt sang châu lục này.

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của châu Âu. Còn Ukraine là một phần quan trọng của tuyến vận chuyển nhiên liệu đó từ Nga đến Liên minh châu Âu.

Nga cung cấp gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, với tuyến đường Yamal-châu Âu chiếm gần 15% nguồn cung cấp đi về phía tây của đất nước.

Giá khí đốt vượt đỉnh năm 2022 sau khi Nga “khoá” van - Ảnh 2.

Đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu, vốn thường dẫn khí đốt từ Nga đến Tây Âu, đã ngừng hoạt động. Ảnh: RT

Căng thẳng giữa Kiev và Moscow là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh năng lượng của châu Âu.

Giới chuyên gia e ngại tình hình căng thẳng chính trị leo thang sẽ tiếp tục kéo giá năng lượng lên.

Châu Âu đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình thoát ly khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga nhưng chưa thành công. Dự đoán, chiến tranh thương mại Nga và phương Tây sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực thị trường hàng hoá toàn cầu.

Lan Hương
Cùng chuyên mục