Giá muối giảm 3 lần, diêm dân lâm cảnh khốn đốn
Giá muối giảm 2-3 lần
Dạo quanh cánh đồng muối ở Sa Huỳnh trong những ngày gần đây, người dân ở đây ai nấy đứng ngồi không yên. Bởi sản lượng muối thu hoạch tăng cao, nhưng sức mua lại giảm sút. Muối được chất đống trên các cánh đồng mà không thấy bất kì một thương lái nào đến hỏi.
Anh Nguyễn Đình Bảy một diêm dân ở đây cho biết: “Năm nay trời nắng nóng, hơi nước bốc nhanh làm rút ngắn thời gian thu hoạch muối. Sản lượng muối vì thế cũng tăng cao. Tuy nhiên, muối được mùa nhưng rớt giá. Năm nay giá muối giảm 2-3 lần so với năm ngoái chỉ 600đ/kg khiến chúng tôi rơi vào cảnh khốn đốn, không có lãi mà còn phải chịu cảnh thua lỗ”.
Chiều về trời nắng gay gắt, dưới ruộng muối đã kết tinh, các diêm dân thay nhau cào muối thuê đang thu hoạch. Không lâu sau, các khoảng đất trống gần ruộng là những đống muối cao ngất. Ông Trần Văn Minh ở thôn Long Thạnh than thở: “Nghề muối vất vả là thế, “suốt ngày bán mặt cho đất, bán lân cho trời”, được mùa muối thì lại rớt giá thảm hại. Tôi có 6 ha muối nhưng chi phí bán ra không đủ trả tiền thuê nhân công nữa. Không chỉ riêng tôi mà người dân quanh đây ai cũng trong tình trạng điêu đứng”.
Đưa tay lau vội giọt mồ hôi hòa với vị mặn của muối trên gương mặt, chị Nguyễn Thị Lan buồn rầu kể: “Các mặt hàng, xăng, dầu phí vận chuyển điều lên giá nhưng riêng muối giá lại xuống thấp. Hiện giá muối chỉ dao động 600 đồng/kg, diêm dân lỗ nặng, không đủ chi phí trả tiền thuê nhân công cào muối. Làm muối vất vả quá mà bán giá thấp nên khó khăn lắm”.
Không chỉ muối làm theo cách truyền thống, phơi trên đất bùn mới rớt giá mà ngay cả muối được sản xuất trên mô hình bằng công nghệ lót bạt cũng phải chịu chung cảnh ngộ. Ở cánh đồng muối này, nhà máy sản xuất muối Sa Huỳnh đã không còn hoạt động nên diêm dân rất khó bán, thương lái lại ít tìm đến mua nên người làm muối thực sự khó khăn.
Nỗi lo của diêm dân
Trước tình hình giá muối đang xuống dốc, các diêm dân lại nơm nớp lo âu. Bởi lẽ, muối bị tồn kho, không bán được thì tiền nhân công của họ cũng bị giảm sút. Anh Văn Công Hậu (32 tuổi, ở Sa Huỳnh) cho hay: “Tiền công bữa nay bị giảm rất nhiều. Trước đây bình quân 6 triệu/tháng, bây giờ chưa đầy 4 triệu!”. Được biết, anh có hai con nhỏ, vợ ở nhà chăn nuôi và nội trợ phụ giúp thêm. Mọi chi phí trang trải trong gia đình phụ thuộc rất nhiều vào đồng lương của anh. Nhưng giá muối hiện nay bị giảm mạnh ai cũng lo nơm nớp, với đồng lương như vậy không đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình”.
Cùng cảnh ngộ, diêm dân tên Tư cũng đang lo sợ giá muối giảm nhiều, các diêm dân ngừng sản xuất muối thì gia đình ông cũng điêu đứng theo. Bởi, cả hai vợ chồng ông điều gánh muối thuê cũng mười mấy năm nay. Tuy công việc khó khăn, vất vả, hàng ngày đối mặt với nắng gió, gương mặt đã hằn lên những nếp nhăn, bàn tay gân guốc, chai sạm, nhưng nhờ cái nghề gánh muối thuê này đã nuôi sống gia đình ông bấy lâu nay.
“Nghề làm muối vốn đã cực nhọc trăm bề, nay giá thành xuống dốc người dân ai nấy điều đau đáu lo sợ. Không chỉ thế, như chúng tôi những người làm thuê thấy tình cảnh muối bị ứ đọng, không bán được cũng rơi vào tình cảnh lao đao, không có người thuê gánh muối. Mỗi ngày hai vợ chồng tôi làm thuê trên dưới 300 ngàn, giờ giá cả như thế này, không biết gia đình sẽ sống như thế nào!”, ông Tư bộc bạch.
Khác với lương được trả theo hàng tháng của các cơ sở sản xuất muối tư nhân, nhiều diêm dân làm tại cánh đồng muối ở đây được trả theo thành phẩm, làm bao nhiêu được hưởng bấy nhiêu. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, cũng như của thị trường muối, nên thu nhập của người làm thuê cũng giảm rất nhiều.
Đang dựng chiếc xe rùa xuống đứng nghỉ một lúc rồi lại tiếp tục công việc. Ông Minh quệt dài những giọt mồ hôi trên mặt, cười rồi nói: “Nghề này khổ! Phải làm lụng vất vả trong tiết trời gay gắt, nắng bốc lửa, giữa đồng trống không, mệt cũng không có chỗ ngồi nghỉ. Nhiều lúc phải choáng váng vì quá nắng. Nhưng làm lâu dài, dầm nắng dãi sương mãi, riết nó cũng quen. Nghề muối càng nắng nóng năng suất càng cao”.
Hàng ngày, những diêm dân luôn gồng mình trên cánh đồng muối để mưu sinh. Họ bới ra đồng những bữa ăn vội vã, cốt chống đói cho công việc nặng nhọc. Người xách, người mang những gô cơm, chiếc bánh, vài ba quả chuối… ăn nhanh giữa cánh đồng nắng cháy để kịp tiến độ làm việc của mọi người. Với nghề làm muối 3 giờ sáng họ đã phải thức dậy chuẩn bị đi làm. Đến buổi trưa là thời gian nghỉ ngơi thì các diêm dân vẫn tiếp tục công việc của mình cho đến mặt trời khuất bóng. Khổ trăm bề nhưng tiền công cũng không đáng bao nhiêu, nghề này chỉ cày cuốc vào những ngày nắng, đến ngày mưa phải làm thuê làm mướn việc khác để sống. Nhọc nhằn là thế nhưng vẫn có những con người đã bám trụ với nghề muối mấy chục năm nay.
Chị Hồ Thị An chia sẻ: “Nghề làm muối nhọc nhằn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trời nắng không sao, chứ bất chợt mưa dông bất chợt thì coi như công sức cả ngày đổ xuống sông, xuống biển. Nghề muối một năm chỉ làm được vài tháng mùa nắng, nên các diêm dân chỉ mong mỏi giá muối được mùa, để những hạt muối họ làm ra được trả công xứng đáng”.