Giá năng lượng của Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới?
Về GDP, theo số liệu công bố của các tổ chức quốc tế, gồm Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và Liên hiệp quốc (UN) thu nhập GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 là 2.346$.
Theo số liệu công bố của "Globalpetrolprices":
Về giá điện năng của 94 quốc gia trên thế giới tại tháng 6.2018, giá điện bình quân trên thế giới là 0.14 $/kWh. Trong đó, giá điện của VN là 0.07 $/kWh, thấp hơn 50% so với mức trung bình của thế giới. Nếu xếp hạng theo tiêu chí giá điện rẻ, thứ hạng của VN là 22/94.
Về giá diesel của 163 quốc gia trên thế giới tại ngày 4.3.2019, giá diesel bình quân trên thế giới là 1.04 $/lít. Trong đó, giá diesel của VN là 0.68 $/lít, tương đương với 65% mức bình quân trên thế giới. Nếu xếp hạng theo tiêu chí giá diesel rẻ, thứ hạng của VN là 30/163.
Về giá xăng của 164 quốc gia trên thế giới tại ngày 4.3.2019, giá xăng bình quân trên thế giới là 1.10 $/lít. Trong đó, giá xăng của VN là 0.8 $/lít, tương đương với 65% mức bình quân thế giới. Nếu xếp hạng theo tiêu chí giá xăng rẻ, thứ hạng của VN là 39/164.
Theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, các quốc gia gần với VN nhưng có thứ hạng xếp trên VN 5 bậc gồm: Honduras, Ucraine, Laos, Egypt, Papua New Guinea, Philippines; có thứ hạng xếp dưới VN 5 bậc, gồm: Mondova, Nicaragua, East Timor, Solomon Islands, Nigieria, Congo, Ghana.
Kết luận:
Như vậy giá năng lượng của VN là thấp, đặc biệt là giá diesel. Cụ thể:
Thu nhập GDP bình quân đầu người của 14 nước thấp hơn của VN 6%, nhưng giá NL bình quân của các nước này đều cao hơn của VN. Cụ thể, giá điện cao hơn 7%, giá xăng cao hơn 12%, và giá diesel cao hơn 20%.
So với mức bình quân chung của thế giới, giá năng lượng của VN rất thấp: giá điện thấp hơn 50%, giá xăng thấp hơn 27% và giá diesel thấp hơn 35%.
Một cơ sở để duy trì giá điện thấp đến nay là do Việt Nam có tỷ trọng nguồn thủy điện chiếm gần 40% cơ cấu công suất nguồn điện. Tuy nhiên hầu hết các nguồn thủy điện vừa và lớn đã được vào vận hành, dư địa cho giá điện thấp đã cạn. Trong trung hạn Việt Nam sẽ phải phụ thuộc nhiều chủ yếu vào nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng các nguồn than, khí đốt của ta cũng hạn chế: Khai thác than trong 10 năm tới sẽ chỉ tăng được khoảng 20% sản lượng và sẽ có giá thành cao hơn khá nhiều do phải khai thác ở các tầng hầm sâu, đi xa.
Hiện ta đã phải nhập khẩu than cho các nhà máy điện và với lượng nhập khẩu ngày càng tăng; khí đốt tại vùng biển phía Đông Nam bộ đang suy giảm nhanh, còn khí đốt tại miền biển Tây Nam thì có giá thành cao, thời gian đưa dòng khí vào bờ luôn bị trì hoãn; khí từ khu vực miền Trung mới bắt đầu triển khai đầu tư, và cũng tạo ra giá thành điện cao hơn giá bán điện hiện thời tới 20%.
Vậy các nguồn năng lượng tái tạo có thể được phát triển để thay thế với giá rẻ hơn? Do công nghệ chế tạo và tính phụ thuộc thời tiết, mùa, khí hậu mà giá thành sản xuất các nguồn điện từ năng lượng mặt trời, điện gió hiện nay đều cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành 7 $cent/kWh.
Mặt khác tính bất định, không liên tục, khó điều khiển làm cho hệ thống nguồn phải đầu tư thêm một lượng công suất tương đương để dự phòng khi chúng không hoạt động, chưa kể lưới điện cũng phải đầu tư thêm các thiết bị giữ ổn định, tích trữ năng lượng khi tỷ trọng các nguồn này tăng lên. Dự báo trong tương lai xa, giá thành thiết bị các nguồn điện mặt trời, điện gió sẽ giảm, kéo giá thành sản xuất điện từ chúng cũng giảm theo, nhưng hiệu ứng này cũng phải hàng chục năm sau mới có tác dụng.
Trong vòng 10 năm tới, chắc chắn giá thành sản xuất điện chung của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Việc dự kiến tăng giá điện đợt sắp tới, không chỉ là bài toán về "chống lỗ" cho EVN và các doanh nghiệp sản xuất điện khác, mà là việc tất yếu phải làm để phát triển ngành điện ổn định, hiệu quả, bền vững.
Cùng chuyên mục