Giá trái cây “nhảy múa” như thị trường chứng khoán
Giá chanh, mít tăng mạnh
Trong tháng 10, thị trường trái cây trong nước biến động tăng giảm khác nhau tùy chủng loại, giá chanh lên cao do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng mạnh. Vụ thu hoạch chanh năm 2018 khi giá xuống đáy, chỉ đạt 2.000 - 3.000 đồng/kg loại đẹp đã khiến nhiều nông dân ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang... đã chặt chanh làm củi.
Nhưng sang đến năm nay, thiếu hụt nguồn cung trầm trọng đã khiến giá chanh vọt lên mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Thi là đầu mối buôn chanh ở thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình từ nhiều năm nay.
Bà Thi cho biết, mỗi ngày cơ sở thu mua của bà có thể xuất vài tấn chanh. Năm 2018, bà mua chanh dễ bao nhiêu thì năm nay lại khó bấy nhiêu. Giá chanh lên cao gấp 3 lần so với năm ngoái mà bà không mua đủ hàng.
Giá sầu riêng, mít thái cũng đang "nhảy múa" khi có thời điểm giá đã chạm mốc 70.000 đồng/kg. Câu chuyện trồng - chặt, cung vượt cầu vẫn đang là chuyện thời sự, là mối lo hàng ngày khi ở nhiều nơi, nông dân đang ồ ạt trồng mít Thái, sầu riêng khi thấy giá 2 loại trái cây này liên tục ở mức cao. Dù đã có khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhưng tại các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An..., bà con nông dân vẫn đang ồ ạt lên liếp trồng mít Thái trên đất ruộng, phá bỏ các loại hoa màu, cây ăn trái khác để trồng mít, hoặc liều mình trồng sầu riêng trên đất phèn.
Đến nay, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây mít lớn nhất khu vực ĐBSCL với tổng diện tích hơn 6.000 ha.
Cam mất giá mạnh
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện giá trái cam sành, cam mật và cam xoàn tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tháng.
Tại nhiều quận, huyện ở TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long..., cam mật được nhiều nông dân bán xô cho thương lái với giá chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg; cam sành bán xô với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg; cam xoàn giá khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá cam xoàn bán lẻ tại nhiều nơi đang ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg; cam sành 12.000 - 17.000 đồng/kg, còn cam mật khoảng 9.000 - 12.000 đồng/kg. Giá trái cam giảm chủ yếu do nguồn cung tăng mạnh vì bước vào rộ mùa thu hoạch và nhiều loại cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, các loại cam trong nước cũng đang chịu nhiều sự cạnh tranh bởi cam nhập khẩu từ Úc và Mỹ.
Sức ép với trái thanh long
Thanh long Việt Nam hiện đang đứng trước sức ép rất lớn từ các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Mỹ và Úc vì những nước này đang mở rộng quy mô sản xuất thanh long. Cụ thể, tính đến tháng 9/2019 diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng lên tới 60.000 ha; đồng thời tiếp tục tăng cường hàng rào kỹ thuật, khắt khe hơn với tất cả các nguồn xuất nhập khẩu nông sản.
Trong những ngày đầu tháng 10, nông dân ở Bình Thuận thu hoạch thanh long chính vụ để xuất khẩu, giá 5.000-8.000 đồng/kg, cao hơn so với chính vụ năm trước. Tuy nhiên, vào những ngày gần đây tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, lượng xe trở thanh long đổ về cửa khẩu đã gia tăng mạnh khiến dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, để xuất khẩu tốt, Việt Nam phải đạt được sự hoàn hảo trong cả chuỗi giá trị. Do đó, phải đẩy mạnh đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển thành công trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh cao độ.