Giám đốc tình báo tiết lộ bằng chứng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ

08/07/2020 12:59 GMT+7
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm 7/7 cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách vươn lên thành siêu cường thế giới bằng cách trộm cắp công nghệ, bí mật thương mại Mỹ và các chiến dịch bành trướng ảnh hưởng chính trị do chính phủ Bắc Kinh đứng sau.
Giám đốc tình báo tiết lộ bằng chứng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ - Ảnh 1.

Cứ mỗi 10 giờ FBI lại mở một cuộc điều tra chống tình báo, và khoảng một nửa trong tổng số hơn 5.000 trường hợp có liên quan đến Trung Quốc

Trong bài phát biểu trước Viện Hudson (Washington), Giám đốc FBI Christopher Wray đã nhấn mạnh rủi ro gián điệp kinh tế và tình báo từ Trung Quốc là “mối đe dọa lâu dài lớn nhất” với tài sản trí tuệ và sức sống của nền kinh tế Mỹ. Cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ Trung leo thang trên nhiều mặt trận sau vụ khủng hoảng đại dịch Covid-19, dự luật an ninh mới với HongKong và hàng loạt xung đột thương mại - công nghệ khác.

Mỹ từ lâu đã chỉ trích Trung Quốc về hành vi đánh cắp công nghệ Mỹ được cho là do chính phủ Bắc Kinh hậu thuẫn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân xung đột thổi bùng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hai năm về trước.

Ông Christopher Wray tiết lộ rằng cứ mỗi 10 giờ FBI lại mở một cuộc điều tra chống tình báo, và khoảng một nửa trong tổng số hơn 5.000 trường hợp có liên quan đến Trung Quốc. Hiện các cuộc điều tra về nỗ lực đánh cắp công nghệ Mỹ của các thực thể Trung Quốc đang được tiến hành ở mọi văn phòng thực địa của FBI. “Đó là mối đe dọa cho cả quốc gia, từ các vùng nông thôn đến thành phố lớn… Tổng chưởng lý William Barr và Ngoại trưởng Mike Pompeo đang chuẩn bị công bố các động thái mới để giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Ông Wray đặc biệt hướng mũi nhọn chỉ trích vào một chiến dịch bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc mang tên Fox Hunt. Chiến dịch được phát động bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm đưa các cá nhân bị buộc tội liên quan đến tham nhũng về nước. Dù được công khai là một nỗ lực chống tham nhũng nhưng Giám đốc FBI Christopher Wray chỉ ra rằng Trung Quốc đã lợi dụng Fox Hunt để nhằm vào các công nhân mà Trung Quốc coi là mối đe dọa. 

“Trong trường hợp các mục tiêu không hợp tác, chính phủ Trung Quốc đã đe dọa hoặc thậm chí bắt giữ các thân nhân của họ tại Trung Quốc để ép buộc”. Ông Wray viện dẫn một trường hợp trong đó cá nhân giấu tên nhận được một tin nhắn cảnh cáo, yêu cầu trở về Trung Quốc đúng thời hạn hoặc tự sát. Vị Giám đốc FBI cũng kêu gọi bất cứ ai đang sống ở Mỹ tin rằng họ bị chính phủ Trung Quốc nhắm đến trong các chiến dịch tương tự có thể tìm đến trụ sở FBI địa phương để được hỗ trợ.

Ngoài cáo buộc gián điệp kinh tế và thực thi pháp luật ngoài lãnh thổ, Bắc Kinh còn bị cáo buộc “tích cực can thiệp vào chính trị Mỹ”, gây áp lực cho các quan chức và nhà lập pháp Mỹ ngăn họ tới Đài Loan.

Trung Quốc còn từng bị cáo buộc nhiều lần hack vào hệ thống quản lý của chính phủ Mỹ, đáng chú ý là lần xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) và thu thập trái phép dữ liệu nhạy cảm của khoảng 20 triệu nhân viên chính phủ liên bang Mỹ. “Vụ hack là một phần trong nỗ lực lớn lao của Trung Quốc nhằm thu thập thông tin tình báo bí mật của Mỹ” - ông Wray nói thêm. 

Các nhà quan sát đang lo ngại liệu Bắc Kinh có thể sử dụng các chiến dịch tấn công mạng để tác động kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới đây. Dù nhiều chuyên gia an ninh mạng chỉ ra rằng khó có thể hack tất cả hệ thống bỏ phiếu của Mỹ cùng lúc, nhưng “họ có thể không cần hack tất cả. Những gì họ cần làm chỉ là hack để tạo ra kết quả đáng nghi cho đối thủ trong cuộc đua tranh cử. Một khi người dân nghi ngờ và không tin tưởng vào kết quả bỏ phiếu, chúng ta sẽ rất khó khăn khi tuyên bố người thắng lợi” - theo bà Nina Jankowicz, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục