Giảm lãi suất chưa phải là nới lỏng tiền tệ?

18/03/2020 10:58 GMT+7
Giới phân tích cho rằng, việc giảm lãi suất đồng loạt của Ngân hàng Nhà nước chưa phải là nới lỏng tiền tệ. Bởi vì lúc này có nới lỏng cũng không giải quyết được vấn đề gì bởi hiện thanh khoản của các Ngân hàng thương mại vẫn tốt.

Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bắt đầu từ ngày 17/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm đồng loạt các lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi và cả trần lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,25 điểm % - 1 điểm %/năm.

Chưa phải là nới lỏng tiền tệ

Có thể nói, đây là lần giảm mang tính chất toàn diện các loại lãi suất điều hành. Cụ thể, một mặt nhà điều hành hạ trần lãi suất tiền gửi - chi phí đầu vào huy động vốn; hạ chi phí tiếp cận vốn của các TCTD qua các kênh như OMO và tái cấp vốn...; cắt trực tiếp chi phí doanh nghiệp vay vốn qua trần lãi suất cho vay VND nhóm ưu tiên. Nhà điều hành cũng hỗ trợ luôn chi phí cho các TCTD qua nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Trước đó, nhà điều hành từng chia ra các lần giảm các loại trong năm 2019 (tháng 9 và tháng 11) với các bước giảm như 0,25%/năm ở các loại lãi suất chủ chốt.

Quyết định giảm lãi suất của NHNN lần này được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0-0,25%/năm chỉ trong vòng 02 tuần, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã có các động thái tương tự. 

Đặc biệt, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc giảm lãi suất đồng loạt chưa phải là nới lỏng tiền tệ. "Bởi vì lúc này có nới lỏng cũng không giải quyết được vấn đề gì. Hiện thanh khoản của các NHTM vẫn tốt, thị trường tiền tệ liên ngân hàng có lãi suất thấp. Bơm tiền ra lúc này, nền kinh tế cũng không thể hấp thụ được, minh chứng cụ thể nhất là tăng trưởng tín dụng 2 tháng qua rất thấp. Cho nên cách thức thực hiện của NHNN hiện tại là rất tốt, gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp", ông Nghĩa nói.

Còn theo ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua OMO phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN hỗ trợ các TCTD khi cần tiếp cận vốn. Quan điểm điều hành của NHNN là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Điều này sẽ củng cố niềm tin cho thị trường và nhà đầu tư, người dân vào hệ thống ngân hàng.

"Với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động những năm qua, NHNN hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt", ông Hà nhấn mạnh.

Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn hấp dẫn

Ngay sau "hiệu lệnh" của NHNN, các NHTM đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống còn 4,75%/năm.

Cụ thể, tại nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được điều chỉnh xuống còn 4,7%/năm, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với đầu tháng 3. Các kỳ hạn còn lại đều không thay đổi. Huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lãi suất 4,3%/năm. Kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 5,3%/năm.

Tương tự, tại VietinBank giảm 0,05 điểm phần trăm, niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng -3 tháng ở mức 4,3%/năm.

Ở nhóm cổ phần tư nhân, ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank) giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 4,7%/năm, áp dụng đồng loạt đối với các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietpostbank) giảm tới 0,4 điểm phần trăm đối với lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 2 tháng. Kỳ hạn 3 tháng đến dưới 5 tháng, lãi suất huy động chỉ còn 4,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước.

Giảm lãi suất chưa phải là nới lỏng tiền tệ? - Ảnh 2.

Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm về mức tối đa 4,75%/năm

Tại Sacombank, lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động từ 4,3% đến 4,7% tùy thuộc vào kỳ hạn gửi, giảm mạnh so với mức 4,9 - 5%/năm áp dụng trước đó. Cụ thể, nếu gửi 1 tháng lãi là 4,3%/năm, 2 tháng là 4,4%, 3 tháng là 4,5%, 4 tháng là 4,6% và 5 tháng là 4,7%/năm.

Nhập cuộc, TPbank cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm dưới 6 về mức tối đa 4,7%/năm – bằng với mức lãi suất huy động phổ biến tính tới thời điểm hiện tại của các ngân hàng thương mại. So với bảng lãi suất huy động đầu tháng 3, nhà băng này đã giảm tới 0,25 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng.

Tại VIB, ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất đồng loạt cho kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,6%/năm, giảm 0,4 điểm phần trăm so với biểu lãi suất cũ.

Techcombank thông báo lãi suất dao động từ 4,15%/năm cho đến 4,75%/năm cho các khoản tiền gửi 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Seabank, lãi suất tiết kiệm từ 1 tới dưới 6 tháng là 4,75%/năm, giảm 0,25 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn này. Trong khi kỳ hạn dưới 1 tháng hoặc không kỳ hạn, cũng điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,8% xuống cao nhất còn 0,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất phổ biến tại các ngân hàng tính tới thời điểm hiện tại.

Theo TS. Võ Trí Thành, mức giảm lãi suất huy động vẫn đủ hấp dẫn, người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng. Tương tự, TS. Bùi Quang Tín nhận định, gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư phù hợp, trong bối cảnh chứng khoán đang rủi ro, thanh khoản thị trường bất động sản còn kém, trên thị trường hàng hóa đầu tư khác thì nhiều doanh nghiệp phải cầm cự vượt qua đại dịch. Hơn nữa, mức lãi suất tiền gửi cao hơn mức lạm phát kỳ vọng 4% năm nay thì vẫn đang tạo ra lợi tức nhất định cho người gửi.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu thừa nhận, hiện tại lãi suất huy động giảm nhưng kênh tiết kiệm vẫn là sự lựa chọn của người dân. "Lãi suất giảm người dân cũng phải chấp nhận bởi hiện tại so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản thì tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất", ông Hiếu nhấn mạnh. 

Huyền Anh
Cùng chuyên mục