Hà Nội cung cấp danh sách, Bộ Công an sẽ cấp 'giấy đi đường điện tử'

10/09/2021 07:17 GMT+7
Sáng 9/9, thượng tá Tô Anh Dũng, Phó cục trưởng, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết, chỉ cần Hà Nội đưa danh sách những người được phép ra đường, C06 sẽ tích hợp trên hệ thống dựa vào nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, đối với phần mềm quản lý công dân vùng dịch, đến nay đã có gần 17.000 tài khoản cán bộ sử dụng, hơn 6.600 chốt kiểm soát và 5.263.863/5.310.217 (tỷ lệ 99.1%) tờ khai qua chốt; hơn 26.500 shipper (hoạt động tại TPHCM).

Kết quả của phần mềm quản lý công dân vùng dịch, theo Thượng tá Tô Anh Dũng, thông tin của phần mềm được kiểm duyệt chính xác qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, cảnh sát khu vực/công an xã sẽ xác định được đúng công dân, phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Ngoài ra, thông qua phần mềm này, lực lượng chức năng sẽ xác định nhanh chóng và thông báo thông tin cho F1, F2 khi phát hiện F0, giúp việc phòng, chống COVID-19 được hiệu quả, tiết kiệm...

Phần mềm không chỉ triển khai tại các chốt, mà còn dễ dàng triển khai ở các điểm khi có yêu cầu, như: Siêu thị, cửa hàng thuốc, trung tâm thương mại,... mà không cần phải lập chốt do công an kiểm soát.

"Phần mềm sử dụng trên đa nền tảng như thông qua điện thoại di dộng, máy tính bảng,... có kết nối internet tại địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn và đặc biệt là ứng dụng VN-eID sử dụng điện thoại di động với 2 kho ứng dụng Appstore và CHPlay. Ứng dụng này kết hợp đọc mã QR bằng camera tại các chốt, giảm tải việc tiếp xúc và tăng hiệu quả kiểm soát", Thượng tá Tô Anh Dũng nói.

Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, đối với phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ COVID-19 đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an triển khai, kết quả đã có 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng phần mềm này. Trên toàn quốc, lực lượng công an xã, phường, thị trấn đã phối hợp với UBND cùng cấp thực hiện cập nhật thông tin hơn 547.000 trường hợp thuộc diện chính sách COVID-19 tại nơi cư trú, đã phát tiền trợ cấp cho hơn 486.000 trường hợp nơi cư trú.

Đối với chức năng phần mềm quản lý công dân nghi nhiễm SARS-CoV-2, đến nay công an địa phương thực hiện cập nhật thông tin F0, F1, F2, F3 lên hệ thống là hơn 6.300 trường hợp F0, hơn 5.000 trường hợp F1, gần 7.000 trường hợp F2, hơn 1.100 trường hợp F3.

Phần mềm này giúp dễ dàng thực hiện cập nhật tình trạng mắc và nguy cơ mắc COVID-19 (F0, F1, F2) có sẵn trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng ngay trên toàn quốc, không phát sinh chi phí đào tạo, chuyển giao và người vận hành", Thượng tá Tô Anh Dũng nói.

Hà Nội cung cấp danh sách, Bộ Công an sẽ cấp 'giấy đi đường điện tử' - Ảnh 1.

Đăng ký giấy đi đường bằng mã QRcode của Bộ Công an.

Thượng tá Tô Anh Dũng thông tin thêm, cảnh sát khu vực, công an xã thường xuyên cập nhật, theo dõi tình trạng của người nhiễm/nghi nhiễm SARS-CoV-2, phục vụ kiểm soát việc giải quyết đi lại. Đồng thời, cảnh sát khu vực, công an xã sẽ thống kê nhanh, chính xác tổng số công dân thuộc diện F0, F1, F2 trên địa bàn quản lý. Điều này phục vụ kiểm soát tình trạng người dân khi tham gia giao thông và quản lý di biến động dân cư, đặc biệt đối với người có nguy cơ mắc COVID-19…

Trước đó, ngày 3/9, Công an Hà Nội thông báo sẽ chủ trì cấp giấy đi đường có mã QR, thực hiện từ 6/9. Tuy nhiên, thủ tục đáp ứng cần nhiều giấy tờ và cách thức lòng vòng, chưa rõ tiêu chí xét duyệt. Tối 7/9, Hà Nội bất ngờ cho phép người dân được dùng cả giấy mẫu mới lẫn cũ.

Ngày 8/9, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường. Chính phủ đề nghị Hà Nội không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; tránh tập trung đông người và ùn tắc giao thông, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát.


Minh Đức
Cùng chuyên mục