Hà Nội: Vì sao xe buýt trợ giá giảm 15% tần suất chuyến?
Trước tình hình lượng khách đi xe buýt sụt giảm nghiêm trọng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GTVT TP.Hà Nội vừa có văn bản gửi Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội về phương án vận hành đối với các tuyến buýt trợ giá.
Theo đó, để thay đổi phương thức hoạt động của các tuyến xe buýt, Sở GTVT Hà Nội chấp thuận đối với đề xuất của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội giảm 15% tần suất vận hành của các tuyến buýt trợ giá từ ngày 16/3.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị vận hành tổ chức thực hiện theo đúng phương án vận hành đối với các tuyến buýt trợ giá đã được chấp thuận; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội và Sở GTVT.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội tiếp tục rà soát theo số lượng vé tháng, vé lượt so với cùng kỳ và kết quả thực hiện điều chỉnh để xây dựng phương án, đề xuất điều chỉnh thời gian biểu chạy xe, giãn cách chạy xe của các tuyến buýt có trợ giá phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách và sử dụng có hiệu quả ngân sách thành phố.
Đồng thời, kịp thời nắm bắt diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, khảo sát nhu cầu đi lại sau điều chỉnh để đề xuất phương án vận hành đối với các tuyến buýt đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả
Được biết, các tuyến xe buýt đã được TP.Hà Nội đã phép hoạt động trở lại 100% công suất từ ngày từ ngày 8/2. Theo các chỉ tiêu đấu thầu, đặt hàng đã được Sở GTVT Hà Nội phê duyệt và không thực hiện quy định về giãn cách trên xe nhằm phục vụ người dân đi lại bằng xe buýt được thuận tiện hơn.
Trước đó, vào tháng 7/2021, UBND TP.Hà Nội giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan xem xét đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030" do Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) xây dựng.
Trong tờ trình của Transerco cho biết, dự kiến giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tiếp tục điều chỉnh lộ trình 52 tuyến xe buýt để hợp lý hóa mạng lưới và mở rộng vùng phục vụ.
Trong đó, có 15 tuyến điều chỉnh để giảm trùng tuyến và tăng kết nối tại các nhà ga khi các tuyến đường sắt đô thị hoạt động. Điều chỉnh tần suất dịch vụ cho 23 tuyến buýt hiện có, tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ.