Hãng chip số 1 Trung Quốc thừa nhận danh sách đen của Mỹ gây "tác động xấu"
“Động thái của Mỹ sẽ tác động xấu đến hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như năng lực sản xuất của công ty với các sản phẩm chip công nghệ tiên tiến từ 10 nm trở xuống” - tuyên bố của SMIC hôm 20/12 khẳng định.
Tuy nhiên, SMIC cho hay điều này không gây ra “tác động tiêu cực đáng kể” đến hoạt động sản xuất cũng như tình hình tài chính doanh nghiệp trong ngắn hạn, vì hãng này hiện chưa sản xuất hàng loạt chip dưới 10 nm.
Được thành lập năm 2000, SMIC hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Hãng này đã huy động được 46,3 tỷ NDT (6,8 tỷ USD) trong đợt IPO tại Thượng Hải hồi tháng 7 qua, tức cao gấp đôi mục tiêu dự kiến ban đầu. SMIC cùng với Huahong (Thượng Hải) hiện là 2 xưởng đúc chip duy nhất tại Trung Quốc có khả năng sản xuất dòng chip vi xử lý 28 nm, một trong những công nghệ chip tiên tiến nhất tại Trung Quốc hiện nay.
Theo Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu chip bán dẫn (SEMI), Trung Quốc hiện đang tăng cường rót vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của các nhà máy chip mới. Nước này dự kiến sẽ dẫn đầu toàn cầu về đầu tư cho mảng thiết bị chip trong năm 2020-2021. Trong đó, SMIC hiện là một trong những lá cờ tiền phong trong tham vọng thiết lập ngành công nghiệp chip tự lực, tự cường, không phụ thuộc vào Mỹ của Bắc Kinh.
Ở phía ngược lại, chính quyền Trump đang tăng cường những đòn giáng nhằm vào hàng loạt doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc để củng cố thêm di sản chính sách cứng rắn với Bắc Kinh trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào đầu năm sau. Quyết định mới nhất về việc đưa 60 doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có SMIC vào danh sách đen sẽ buộc các nhà xuất khẩu Mỹ phải được cấp phép nếu muốn bán hàng cho đối tác Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ quy định rất rõ rằng những thiết bị, vật liệu có thể được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến (dòng chip từ 10 nm trở xuống) sẽ bị kiểm soát gắt gao hơn để hạn chế sự tiếp cận của SMIC với công nghệ quan trọng của Mỹ.
Vào tháng 9, Cục Công nghiệp và An ninh trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ từng gửi thông điệp yêu cầu các công ty Mỹ xin giấy phép trước khi xuất khẩu hàng hóa dịch vụ cho SMIC. Theo nội dung bức thư mà Nikkei Asian Review tiết lộ, Cục này xác định “việc xuất khẩu hàng cho SMIC hoặc các công ty con của nó có thể gây ra rủi ro chưa từng có về việc chuyển hướng sang phục vụ các mục đích quân sự của Trung Quốc”.
“Chúng tôi sẽ không cho phép công nghệ tiên tiến của Mỹ được sử dụng để nâng cao sức mạnh quân đội của quốc gia đối thủ. SMIC là minh chứng hoàn hảo cho những rủi ro từ việc Trung Quốc sử dụng công nghệ Mỹ để hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng quân sự” - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh.
Về phía SMIC, doanh nghiệp này khẳng định “chỉ sản xuất chip và cung cấp dịch vụ cho người dùng cuối vì mục đích dân sự và thương mại. Công ty không có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc và cũng không sản xuất cho bất kỳ người dùng cuối hoặc mục đích quân sự nào”.
Tờ Nikkei Asian Review cho hay SMIC đang nỗ lực xây dựng dây chuyền sản xuất chip không phụ thuộc vào Mỹ, dù phải sử dụng công nghệ sản xuất chip 40 nm kém tiên tiến hơn. Công ty đặt mục tiêu xây dựng dây chuyền sản xuất chip 28 nm trong 3 năm tiếp theo. Hiện SMIC vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thiết bị sản xuất chip của Mỹ. Do đó, nguy cơ bị mất quyền tiếp cận với các nhà cung cấp Mỹ có thể khiến năng lực công nghệ của SMIC thụt lùi 10 năm.