Hàng hóa tuần qua: Giá 5 loại phân bón tăng, xăng giảm gần 700 đồng/lít
Giá 5 loại phân bón tăng, riêng ure giảm
Theo DTN, giá trung bình trong tuần kết thúc vào 15/4 của 5 trong số 8 loại phân bón tăng so với tuần trước đó, 2 loại giữ nguyên và một loại giảm.
MAP dẫn đầu danh sách tăng với 1,5% lên 1.071 USD/tấn. Các loại DAP, phân lót 10-34-0 đồng loạt nhích lên 1% thành 1.047 USD/tấn, 906 USD/tấn.
UAN28, UAN32 tăng 1 USD/tấn lên lần lượt 630 USD/tấn, 730 USD/tấn. Kali, phân khô giữ nguyên với 875 USD/tấn, 1.534 USD/tấn theo thứ tự. Riêng ure giảm 1% xuống còn 1.017 USD/tấn.
So với một tháng trước, DAP tăng mạnh nhất với 8%. Tiếp đó là ure 7%, MAP 6%, kali 4%. Các loại phân lót 10-34-0, UAN28, UAN32 đồng loạt nhích lên 3%, phân khô tăng 1%.
So với một năm trước, các loại phân bón đều tăng. Phân lót 10-34-0 tăng 49%, MAP 53%, DAP 68%, UAN28 83%, UAN32 tăng 89%. Các loại tăng từ 100% trở lên là ure (100%), kali (103%), phân khô (119%). ()
Giá xăng tăng gần 700 đồng/lít, tiến sát 28.000 đồng/lít
Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h ngày 21/4. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 663 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 675 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 27.134 đồng/lít và xăng RON 95 là 27.992 đồng/lít. Như vậy, giá xăng tăng trở lại sau 3 lần giảm liên tiếp.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, giá các loại dầu cũng tăng. Dầu hoả là 23.828 đồng/lít, tăng 801 đồng/lít. Dầu diesel là 25.359 đồng/lít, tăng 979 đồng/lít. Dầu mazut là 21.800 đồng/kg, tăng 871 đồng/kg.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 ở mức 400 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít, dầu hỏa 100 đồng/lít, dầu diesel 100 đồng/lít. Cũng trong kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu mazut 250 đồng/kg. ()
Giá một số loại sợi tăng
Giá PTA, nguyên liệu đầu vào của nhà máy sản xuất xơ sợi polyester, tăng trong thời gian vừa qua. Giá mặt hàng này ngày 19/4 là 6.288 nhân dân tệ/tấn (982 USD/tấn), tăng 0,6% so với ngày trước đó. Trong tuần trước, mặt hàng này tăng 1,8% và ở mức 6.209 nhân dân tệ/tấn (970 USD/tấn) vào cuối tuần. Trong tháng 3, mặt hàng này tăng giá 7,3% và giao dịch ở 6.142 nhân dân tệ/tấn (960 USD/tấn) vào ngày cuối tháng. Hiện giá đang cao hơn đầu năm khoảng 18%.
Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược của CTCP Sợi Thế Kỷ, chia sẻ vì PTA là chế phẩm của dầu, do đó, khi giá dầu tăng thì giá mặt hàng này cũng tăng theo.
Polyester FDY, loại dùng trong vải trang trí nội thất gia đình, thời trang, denim, khăn tắm, tăng 0,5% so với ngày trước đó lên 8.621 nhân dân tệ/tấn (1.347 USD/tấn). Mặt hàng này nhích lên 0,7% trong tuần trước và tăng 3,1% trong tháng 3. Hiện giá đang cao hơn đầu năm khoảng 6%. ()
Bộ Xây dựng: Dự báo vật liệu xây dựng sẽ tăng giá trong thời gian tới
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý I, giá thép xây dựng ở Việt Nam có xu hướng tăng mạnh theo xu thế tăng chung của thị trường thép trên thế giới. Việc tăng giá vật liệu xây dựng dự báo sẽ gây tác động khiến giá nhà ở, công trình xây dựng tăng.
Bắt đầu từ giữa tháng 2 đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã bắt đầu tăng mạnh (khoảng tăng giá 600-1.200 đồng/kg). Tính đến giữa tháng 3, giá thép lần lượt tăng so với giá tại thời điểm tháng 2 và tháng 1 là 3,5% và 7,5%.
Sang đến đầu tháng 4, giá thép xây dựng vẫn chưa “hạ nhiệt”. Hiện, giá thép xây dựng các loại rơi vào khoảng 18.600-20.600 đồng/kg. Trong đó, giá thép tròn tại nhà máy trung bình sau thuế VAT của các nhà sản xuất Hòa Phát, Miền Nam, Việt Nhật lần lượt là 18.300 đồng/kg, 18.600 đồng, 19.000 đồng/kg; giá thép hình các loại trung bình khoảng 20.600 đồng/kg. Như vậy, trung bình trong quý I, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV/2021. ()
Giá than cao nhất một tháng
Giá than tương lai tại Newcastle (Australia) ngày 21/4 là 331,1 USD/tấn, tăng 1,5% so với ngày trước đó và là mức cao nhất trong một tháng qua. Tính từ đầu tuần, giá mặt hàng này tăng hơn 8%.
Giá nhiên liệu này đã hạ nhiệt so với mức đỉnh 430 USD/tấn hồi đầu tháng 3 nhưng vẫn cao hơn 107% so với đầu năm.
Thị trường than đang chịu tác động lớn từ cuộc chiến tại Ukraine. Các lệnh trừng phạt kinh tế vào Nga khiến thị trường năng lượng toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Nhiều khách hàng nhanh chóng tìm nguồn than thay thế từ Nga vì Moscow vốn là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu lớn trên thế giới.
Trước đó, nguồn cung vốn đã thắt chặt vì khủng hoảng khí đốt tại châu Âu khiến việc sử dụng than trong sản xuất điện nhiều hơn. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cấm nhập than từ Moscow từ tháng 8 nên nguồn cung thế giới sẽ bị ảnh hưởng. ()
Một số tin tức khác
Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản ngày 22/4 thông báo nước này sẽ tiến hành đấu giá 4,8 triệu thùng dầu từ kho dự trữ quốc gia vào ngày 10/5 tới, một phần trong nỗ lực do Cơ quan Năng lượng Quốc tế điều phối để hạ nhiệt giá dầu. ()
Giám đốc điều hành của hiệp hội Các nhà sản xuất đồ nội thất Anh Sean Holt cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy tình hình như hiện nay khi giá nguyên vật liệu tăng trên diện rộng. Điều này đang gây ra nhiều áp lực đối với hoạt động sản xuất ở Anh và sẽ phải được chia sẻ với các nhà bán lẻ và người tiêu dùng”.
Giá đồ nội thất cao hơn đã dẫn đến chi phí sinh hoạt cao hơn ở Anh. Lạm phát ở Anh đang ở mức 7%, mức cao nhất trong ba thập kỷ, trong khi giá đồ nội thất tăng 17%. ()
Những ngày cuối tháng 4, sầu riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào vụ. Giá sầu riêng tại các vườn ở Hậu Giang, Tiền Giang đang được bán 50.000-55.000 đồng một kg, tăng 10.000-15.000 đồng (khoảng 30%) so với cùng kỳ năm trước. ()