Hàng nghìn nhân viên khách sạn sắp mất việc vì Covid-19
Lĩnh vực khách sạn ở Mỹ chịu tác động gần như ngay lập tức chỉ trong tuần đầu tiên khi đại dịch virus corona bùng nổ ở nươc này, với doanh thu phòng giảm 11,6%, theo công ty thống kê số liệu khách sạn STR. Đây được coi là lần sụt giảm lớn nhất kể từ năm 2013. Lượng khách giảm 7,3% và được dự đoán tiếp tục giảm trong các tuần tiếp theo. Một số tập đoàn khách sạn ở Mỹ và Châu Âu không còn cách nào khác ngoài giảm lương nhân viên.
Scandic, công ty khách sạn lớn nhất Bắc Âu, với hơn 280 khách sạn đang hoạt động hoặc chuẩn bị đi vào hoạt động, công bố sẽ cho 2.000 nhân viên tạm nghỉ ở Thụy Điển (khoảng 1 nửa số nhân viên tại nước này). Công ty này cũng sẽ cắt giảm nhân viên diện rộng ở các thị trường khác, các nhân viên bị cắt giảm bao gồm nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên dọn dẹp và phục vụ.
Khách sạn The Kimpton Hotel Eventi ở Manhattan, thuộc Tập đoàn InterContinental Hotels Group PLC, gần đây đã cắt giảm 40 nhân viên do nhu cầu khách du lịch giảm mạnh. Nhiều khách sạn nhỏ hơn ở New York chứng kiến lượng khách đến ở giảm đến 50%, nhiều khách sạn khuyên nhân viên nên nghỉ phép ở thời điểm này hay nghỉ không lương để giữ được công việc.
Theo Tripbam, số lượng đặt phòng ở các khách sạn Mỹ giảm 20% trong vài ngày gần đây, con số này có thể còn tăng cao hơn, nhất là sau lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ với các quốc gia thuộc khối EU trong 30 ngày.
Ở San Francisco, nơi STR thông báo mức giá phòng giảm 46% so với năm ngoái, quản lý khách sạn buộc phải giảm giá phòng nhằm cứu vãn tình hình kinh doanh. Các khách sạn giảm 35% tiền phòng xuống còn 302 USD cho một phòng hạng sang giữa 3/3-10/3. Mỹ là một trong những thị trường kinh doanh khách sạn đắt đỏ nhất thế giới, vì thế, giá phòng sụt giảm và biến động hiện nay khiến ngành khách sạn nói chung chứng kiến thất thoát ngày càng lớn. Thậm chí giá phòng từ 200 USD – 300 USD có thể giảm còn 60 USD nếu tình hình không được cải thiện.
Hầu hết các khách sạn coi việc cắt giảm giá phòng là lựa chọn cuối cùng, bởi rất khó để tăng giá phòng sau đó. Biến động phức tạp của tình hình dịch bệnh lan rộng hiện nay không chỉ đẩy ngành kinh doanh khách sạn vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà ngay cả trang web cho thuê phòng trực tuyến – dự án khởi nghiệp triệu đô Airbnb cũng đang đối mặt với thử thách không hề nhỏ. Số liệu từ tập đoàn phân tích AirDNA cho thấy nhiều khách hàng cũng đã hủy bỏ đặt phòng trên ứng dụng Airbnb.
Ở Trung Quốc, AirDNA công bố doanh thu khách sạn ở Bắc Kinh giảm trung bình 43% trong tháng Ba. Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Airbnb.
Làn sóng hủy bỏ đặt phòng cũng đồng thời tác động đến thị trường Mỹ, theo Airbnb. Các địa điểm thường thu hút khách du lịch đến đặt phòng như Francisco và Chicago hay ở Châu Âu là London và Paris đều đang ở tình trạng vắng khách. Một trong số các nhà đầu tư của Airbnb cho rằng điều kiện hiện nay khiến kế hoạch phát triển kinh doanh của Airbnb không thể được triển khai, thay vì thế, chờ đợi cho đến khi đại dịch được kiểm soát có thể là hướng đi khôn ngoan hơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, Airbnb sẽ hồi phục dễ hơn so với các khách sạn lớn.