Hậu Giang: Khốn khổ, bán 10kg mía mới đủ uống cốc... trà đá

11/11/2019 15:35 GMT+7
Trước đây, khi vào vụ thu hoạch mía, Hậu Giang có đến 3 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất ép gần 9.000 tấn mía/ngày đêm. Tuy nhiên, vụ mía này, chỉ còn có một nhà máy hoạt động, với công suất ép 3.500 tấn mía/ngày đêm, khiến lượng mía tồn trên ruộng còn rất cao.

Người dân thua lỗ nặng

Vào những ngày này, người dân ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), vùng mía có quy mô lớn nhất ở miền Tây với 6.700ha đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, ai nấy cũng buồn rầu vì giá bán thấp và thua lỗ nặng.

Gặp phóng viên, bà Lý Thị Hiền ngụ ở ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh cho biết, gia đình bà có 2.000m2 đất trồng mía. Hiện, số diện tích này đang được thu hoạch và bán với giá 400 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà Hiền thua lỗ khoảng 6 triệu đồng.

 
Hậu Giang: Khốn khổ, bán 10kg mía mới đủ uống cốc... trà đá - Ảnh 1.

Ruộng mía của bà Lý Thị Hiền đang được thu hoạch. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Lý Út Nhiều cùng ở ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh cho biết, gia đình ông có tổng cộng 2.000m2 trồng mía. Hiện, diện tích mía trên đã quá thời gian thu hoạch hơn một tháng và bị ngập nước do ảnh hưởng của đợt triều cường vừa qua. Rất may, ông đã kiếm được thương lái bán với giá 400 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, ông thua lỗ khoảng 6 triệu đồng.

“Bán cho nhà máy đường với giá cao hơn (khoảng 50 đồng/kg, người dân nơi đây không bán được trực tiếp với nhà máy mà phải thông qua thương lái - PV) nhưng phải tốn thêm tiền thuê nhân công với giá 240 - 250 đồng/kg mía. Vì vậy, tôi quyết định bán cho thương lái” - ông Nhiều chia sẻ thêm.

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi xong 100ha mía kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt theo hướng GlobalGAP. Ngành nông nghiệp huyện đang tiếp tục vận động người dân chuyển đổi thêm 140ha nữa", Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp

Do nhiều năm lỗ nặng từ việc trồng mía, ông Nhiều quyết định, vụ sau sẽ trồng loại cây khác, với hy vọng sẽ có lời, để trả nợ cho cửa hàng vật tư nông nghiệp và dần cải thiện cuộc sống.

Ngành chức năng và doanh nghiệp nói gì?

Khi phóng viên hỏi về tiến độ thu hoạch mía ở địa phương, ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, đến nay, toàn huyện này đã thu hoạch được 1.700ha, trong đó có 1.300ha được bà con bán mía chục, tức là đốn mía xong bó lại thành chục bán cho thương lái. Các thương lái này sẽ chở đi TP.HCM bán lại cho các điểm bán nước mía. Còn lại 450ha bán cho nhà máy đường.

Theo ông Tuấn, năm nay, ở địa phương chỉ còn 1 nhà máy mía đường hoạt động, 2 nhà máy còn lại đã đóng cửa, do đó tiến độ thu hoạch rất chậm.

Theo phóng viên tìm hiểu, trước đây, khi vào vụ thu hoạch mía, Hậu Giang có đến 3 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất ép gần 9.000 tấn mía/ngày, đêm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mùa thu hoạch 2019-2020, tỉnh này chỉ còn có một nhà máy đường nằm ở huyện Phụng Hiệp của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ hoạt động, với công suất ép 3.500 tấn mía/ngày, đêm, khiến lượng mía tồn trên ruộng lớn."So với cùng kỳ năm trước thì chậm hơn 2.000ha. Hiện bà con cần thu hoạch gấp từ 2.000 - 2.100ha vì số diện tích này mía đã đạt chữ đường cao rồi, nếu khoảng nửa tháng nữa không thu hoạch kịp mía sẽ xuống lá, khô héo rồi chết dần" - ông Tuấn nói.

Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp, do ảnh hưởng của đợt triều cường dâng cao trong thời gian gần đây nên toàn huyện có tổng số gần 2.500ha mía bị ngập nước, với độ sâu khỏi mặt liếp mía từ 10-30cm. Hiện mực nước đã rút xuống nhưng có nhiều diện tích bị xuống lá, vàng đọt.

Theo đại diện Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, phía công ty có 2 nhà máy sản xuất đường nhưng do diện tích vùng nguyên liệu tại địa phương giảm khoảng 2.000ha so với vụ trước nên phải cho đóng cửa một nhà máy ở thị xã Vị Thanh (Hậu Giang).

Ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ nói: “Khi thị trường đường có chuyển biến giá tốt thì chúng tôi sẽ lập tức xem xét, chia sẻ bằng cách nâng giá mua mía với người dân. Về diện tích hơn 2.100ha mía ùn ứ, cần gấp rút thu hoạch, tôi đã có phương án nhờ nhà máy đường ở tỉnh Sóc Trăng đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, có thể tiêu thụ 2.400 tấn/ngày cho nông dân Phụng Hiệp”.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục