HĐQT bị “phê bình” vì thiếu nhịp nhàng, ảnh hưởng hình ảnh của Eximbank
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EximBank - Mã: EIB) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Mục tiêu tăng 20% về lợi nhuận trước thuế
Theo Tài liệu ĐHĐCĐ, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2020 lợi nhuận trước thuế và trích bổ sung dự phòng tất toán trái phiếu VAMC đạt 1.918 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận trước thuế là 1.318 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.
Tổng tài sản đạt 176.000 tỷ đồng, tương đương tăng 5% so với năm 2019. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 147.800 tỷ đồng, tăng 6%. Tập trung xử lý nợ xấu, nợ quá hạn để duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Mức tăng trưởng tín dụng dự kiến là 8% - thấp hơn mức 9% hạn mức tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước thông báo. Mức tăng này bao gồm cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp, đạt 122.275 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Eximbank cho biết trong điều kiện kinh doanh thuận lợi sẽ xin phép điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cao hơn so với mức đã được Ngân hàng Nhà nước thông báo cho Eximbank.
Eximbank cũng dự kiến đẩy mạnh xử lý nợ tồn đọng, mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2020 theo định hướng tái cơ cấu của NHNN.
Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống ATM, mở rộng mạng lưới. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu đưa Eximbank vào nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ suất lợi nhuận ròng trên chủ sở hữu cao.
Không chia cổ tức năm 2018 và 2019
Về phương án phân phối lợi nhuận, toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2018, 2019 sẽ được giữ lại (năm 2018 là 704 tỷ đồng và năm 2019 là 1.380 tỷ đồng).
"Eximbank là ngân hàng chưa đủ điều kiện để chia cổ tức do là ngân hàng đã được NHNN chấp thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt. Nguồn lợi nhuận giữ lại này sẽ là nguồn để xử lý nợ xấu cho đến khi toàn bộ phần trái phiếu gia hạn được thanh toán", tài liệu nêu rõ.
Cụ thể, Eximbank được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với các trái phiếu phát hành từ năm 2015 trở về trước, chưa được thanh toán hết vào cuối năm 2019. Do đó, Eximbank sẽ trình cổ đông không chia cổ tức cho năm 2018 và năm 2019.
Hoạt động của HĐQT còn nhiều vấn đề
Liên quan đến hoạt động của HĐQT ngân hàng, Ban kiểm soát (BKS) của Eximbank đánh giá trong nhiệm kỳ qua đặc biệt là trong năm 2019, hoạt động của HĐQT thiếu nhịp nhàng, các thành viên HĐQT còn nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi.
"Các cuộc họp thường xuyên kéo dài mà không đưa ra được quyết định cuối cùng, dẫn đến việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là vấn đề bổ nhiệm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tổ chức đại hội cổ đông, yêu cầu của Cơ quan Thanh tra Giám sát,... đã dẫn đến Eximbank bị xử phạt hành chính về vấn đề này và gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Eximbank.
Đây cũng là bài học sâu sắc để HĐQT, BKS phải rút kinh nghiệm tránh lặp lại trong nhiệm kỳ tới", báo cáo của BKS ghi rõ.
Tại ĐHĐCĐ lần này, Eximbank cũng sẽ trình ĐHĐCĐ bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ VII (2020-2025). Đồng thời trình cổ đông thông qua số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII là 11 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Số lượng thành viên BKS nhiệm kỳ VII dự kiến là 3 thành viên.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, HĐQT Eximbank thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường ngay trong cùng một ngày, ngay sau khi tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Theo thư kiến nghị của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% vốn tại Eximbank, SMBC đã nhiều lần đề xuất tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bàn về một số vấn đề của Ngân hàng nhưng chưa được giải quyết.
Việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường này được quyết định sau khi nhận được kiến nghị của nhóm cổ đông lớn Eximbank là cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% vốn tại Eximbank.
Hồi năm 2019, SMBC đã 3 lần nộp kiến nghị yêu cầu tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường vào các ngày 26/04, 26/05 và 21/06/2019. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ của Eximbank đã không thành công.
Eximbank giải thích nguyên nhân thực sự dẫn đến việc tổ chức các lần Đại hội không thành công là do các cổ đông chưa tìm được tiếng nói chung. Điều này chưa được giải quyết khiến cho việc tổ chức đại hội lại một lần nữa làm lãng phí vô ích về thời gian và ngân sách hoạt động của ngân hàng và tổn hại đến hình ảnh của ngân hàng trước xã hội, cũng như có thể ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của Ngân hàng.