Hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng 33,5% về số lượng giao dịch

15/01/2025 16:28 GMT+7
Năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng khoảng 30% về số lượng giao dịch và 14,4% về giá trị giao dịch so với năm 2023. Trong số đó, dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 33,5% về số lượng giao dịch và 14,9% về giá trị giao dịch.

Ngày 14/01/2025, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã tổ chức "Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025". Tham dự hội nghị có ông Phạm Anh Tuấn – Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng đại diện các Vụ/Cục chức năng của NHNN; Văn phòng Chính phủ, Bộ Công An...

Ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT NAPAS nhấn mạnh, bối cảnh năm 2024 có nhiều sự thay đổi về thể chế, chính sách mới trong lĩnh vực Thanh toán như Nghị Định 52/2024/NĐ-CP, Thông tư 17,18 và các Thông tư liên quan về thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2024, các Ngân hàng, Trung gian thanh toán đã triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 và Thông tư 50 của Thống đốc NHNN. 

"Đây là những thay đổi căn cơ và là nền tảng nhằm tăng cường an ninh an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, giúp hệ thống Thanh toán Việt Nam phát triển bền vững hơn. Dưới sự chỉ đạo của NHNN và Hội đồng quản trị, NAPAS đã chủ động phối hợp cùng các Tổ chức thành viên triển khai các giải pháp công nghệ mới thúc đẩy phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, hoàn thiện hệ sinh thái thanh toán số thông qua mã VietQR, thẻ ngân hàng, tài khoản, ví điện tử, mobile money góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng chung của toàn ngành", ông Hưng cho biết.

Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn.

Thông tin từ ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc NAPAS, trong năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng khoảng 30% về số lượng giao dịch và 14,4% về giá trị giao dịch so với năm 2023. 

Trong số đó, dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 33,5% về số lượng giao dịch và 14,9% về giá trị giao dịch. 

Đồng thời, dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR tăng trưởng vượt trội, tăng tương ứng 118% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 1/3 tổng số lượng giao dịch của dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247.

Ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT NAPAS.

Đối với giao dịch trên ATM, năm 2024 tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm liên tiếp. Giao dịch trên ATM được xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. 

Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. Kết quả nói trên phản ánh rõ nét nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển nhanh NAPAS 247, chuyển tiền/ thanh toán bằng mã VietQR.

Trong năm 2024, NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường giám sát, đảm bảo hoạt động liên tục của hệ thống cũng như năng lực xử lý đáp ứng nhu cầu tăng trưởng không dùng tiền mặt của thị trường. 

Trong thời gian cao điểm, hệ thống NAPAS đã xử lý hơn 35 triệu giao dịch/ngày và với năng lực lên lên tới 3500 giao dịch/giây. Về chất lượng dịch vụ, chỉ số cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) trong năm 2024 đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử vượt mức độ cam kết và đạt 99,997%. 

Ngoài ra, NAPAS luôn chuẩn bị các phương án dự phòng cho các hệ thống thông tin quan trọng, tăng cường nhân sự trực 24/7 để hỗ trợ các Tổ chức thành viên và doanh nghiệp trong các giai đoạn cao điểm như lễ, Tết nguyên đán,...

Ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc NAPAS tổng kết hoạt động năm 2024 và định hướng hoạt động năm 2025.

Liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, trong năm 2024, về dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực: NAPAS đã hoàn thành kết nối thanh toán QR giữa Việt Nam và Lào cho 07 ngân hàng Việt Nam và 14 ngân hàng Lào;

Đồng thời ký kết Thỏa thuận ghi nhớ với UnionPay International (UPI) về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam và Trung Quốc. NAPAS đã mở rộng kết nối thêm các ngân hàng thương mại Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán bằng mã QR giữa Việt Nam và Thái Lan, Campuchia nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán của du khách Việt Nam sang công tác, du lịch tại các quốc gia nói trên.

Về đẩy mạnh thanh toán thẻ NAPAS: NAPAS đã tăng cường triển khai các chương trình thông qua các Ngân hàng thanh toán, trung gian thanh toán, các đại lý bán hàng, các đối tác có sẵn mạng lưới bán hàng lớn để thúc đẩy hoạt động thanh toán. Nhiều chương trình khuyến mãi với các đối tác lớn, uy tín đã được NAPAS triển khai trong năm qua nhằm thúc đẩy thói quen chi tiêu thanh toán qua thẻ NAPAS. Đặc biệt, NAPAS đã phối hợp Tổ chức thẻ Mastercard kí kết Biên bản ghi nhớ triển khai dòng thẻ đồng thương hiệu (thẻ cobadged) giữa NAPAS, Mastercard và các ngân hàng, dự kiến sớm ra mắt trong thời gian tới.

Về triển khai đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06): NAPAS đã phối hợp Trung tâm RAR, C06 triển khai tiện ích phục vụ an sinh xã hội và thanh toán dịch vụ công trên ứng dụng VneID; Triển khai dịch vụ chi trả an sinh xã hội giai đoạn 1 để liên kết số an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng, tài khoản Mobile Money cho 17 ngân hàng và 01 Công ty viễn thông; Triển khai thanh toán phí/lệ phí dịch vụ công trực tuyến trên VNeID với lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp, dịch vụ cư trú (tạm trú, thường trú). Trong đó, dịch vụ thanh toán phí/lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp đang được Bộ Công an triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Về triển khai thanh toán dịch vụ công trực tuyến: NAPAS đã thực hiện thành công hơn 1,4 triệu giao dịch thanh toán dịch vụ công với giá trị tương ứng hơn 1000 tỷ VNĐ; tăng tưởng 210% về số lượng giao dịch và 128% về giá trị giao dịch so với năm 2023. Ngoài ra, NAPAS cũng đã mở rộng dịch vụ thanh toán cho 10 nhóm dịch vụ công; kết nối thêm 12 ngân hàng, nâng tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán qua mã VietQR trên cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt 38 ngân hàng/đơn vị; Phối hợp với 71 Bộ/Ngành, địa phương triển khai thanh toán phí, lệ phí thông qua mã VietQR, Thẻ nội địa NAPAS và tài khoản ngân hàng; Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nộp lệ phí đăng ký xét tuyển đại học năm 2024; Thí điểm thành công nộp phí, lệ phí trên nền tảng Cửa khẩu số Lạng Sơn;

Theo ông Phạm Anh Tuấn – Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN đánh giá, điểm nổi bật trong hoạt động của NAPAS chính là thúc đẩy triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử cho các nhóm dịch vụ công và tăng cường phối hợp các Bộ, ngành, địa phương; mở rộng mạng lưới Tổ chức thành viên tham gia triển khai dịch vụ, góp phần tạo sự đa dạng trong thanh toán dịch vụ công trực tuyến cho người dân trên cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng như ứng dụng VNeID của Bộ Công an. 

"Đồng thời, điểm sáng trong số những hoạt động của NAPAS trong năm qua còn là hoạt động kết nối quốc tế với các Tổ chức thẻ quốc tế theo các quy định của NHNN như hoàn thành kết nối theo tiêu chuẩn, quy định với JCB, UPI, Amex,… và tích cực triển khai kết nối thanh toán song phương qua mã QR giữa Việt Nam và các nước trong khu vực gồm Thái Lan, Campuchia và Lào", ông Tuấn đề cập.


L. Anh
Cùng chuyên mục