Hiệu ứng thua lỗ dây chuyền từ dịch tả lợn
Dịch tả lợn châu Phi không chỉ khiến hàng trăm nghìn hộ chăn nuôi lâm vào cảnh nợ nần, mà cả các đại lý kinh doanh thức ăn gia súc cũng "méo mặt" vì những khoản nợ trong dân ngày một nhiều nhưng rất khó đòi. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, nguy cơ hiệu ứng domino sẽ gây phá sản hệ thống chăn nuôi.
Rất nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi đang trong tình trạng khó thu hồi vốn, vì họ phải bán chịu thức ăn chăn nuôi cho nông dân. Trong khi thức ăn chăn nuôi mua từ các công ty sản xuất phải thanh toán ngay lúc nhận hàng nên nhiều đại lý rơi vào cảnh nợ nần.
Nếu dịch bệnh còn kéo dài, nguy cơ hiệu ứng domino sẽ gây phá sản hệ thống chăn nuôi.
Khó bán hàng, khó đòi nợ
Ông Phạm Văn Lượng, một chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở huyện Hải Hậu cho biết, trước đây, mỗi tháng gia đình anh bán ra ngoài thị trường trên dưới 20 tấn cám. Tuy nhiên, từ khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, bình quân 3 tháng qua, chỉ bán được 5-6 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng.
"Tôi bán cám chịu cho người chăn nuôi, cứ sau mỗi lứa lợn (khoảng 6 tháng) thì người dân đem tiền đến trả một cục. Nhưng, nhiều tháng nay, lợn bị dịch, phải đưa đi tiêu hủy nên người dân không biết lấy tiền đâu ra để trả nợ, mà giờ mình cũng không dám đòi. Hiện các hộ chăn nuôi nợ gia đình tôi gần 2 tỷ đồng. Để tiếp tục kinh doanh, tôi phải vay vốn ngân hàng, thậm chí là vay lãi cao bên ngoài để mua hàng và không dám bán chịu nữa", ông Lượng chia sẻ.
Ông Đào Văn Bắc, Giám đốc Công ty Cổ phần PP Sun Việt Nam ở tỉnh Hải Dương cho hay: "Nếu trước đây, mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 tấn thức ăn chăn nuôi thì nay chỉ còn từ 1.200-1.400 tấn/tháng. Mặc dù công ty đã hạ giá bán từ 5.000-10.000 đồng/bao để kích cầu nhưng vẫn không khả quan hơn. Do đó, công ty phải sản xuất cầm chừng, bán đến đâu sản xuất đến đó để tránh tồn kho".
Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngôi Sao Hy Vọng ở thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, từ tháng 3/2019 trở lại đây, lượng sản phẩm tiêu thụ các mặt hàng cám chăn nuôi của công ty bị sụt giảm nghiêm trọng, khoảng 70%. Thời điểm trước, mỗi ngày, công ty xuất bán trung bình 50 tấn thức ăn chăn nuôi thì giờ chỉ bán được 12 tấn/ngày.
Ông Trần Trọng Quang, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi Vina (Vinafeed) chia sẻ: "Nhìn doanh số đại lý sụt giảm sốt ruột một thì nhìn bà con chăn nuôi phải tiêu hủy chính đàn lợn mình chăm bẵm thấy xót xa mười".
Trong vòng 3 tháng qua, lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi của Vinafeed tụt giảm khoảng 30% so với tháng 1, từ 16.000 tấn/tháng xuống còn 11.000 tấn. Hiện, giá sản phẩm của Vinafeed đã giảm khoản 7-8% so với tháng 1/2019. Tuy nhiên, ông Quang nhấn mạnh, mức giá tại tháng 1/2019 cũng đã rất thấp vì tất cả các công ty thức ăn chăn nuôi đã giảm giá tối đa để cạnh tranh.
Điều khiến Phó tổng giám đốc Vinafeed lo ngại hơn, hoạt động của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục "xấu" đi dịch bệnh còn kéo dài. Hiện tại, vẫn còn người chăn nuôi không bán tháo được lợn, và vẫn còn lợn chưa bị dịch, nên họ bắt buộc phải nuôi tiếp dù phải vay nợ thêm để mua cám duy trì cho ăn. Đến khi lợn đã đạt hơn 100 kg, thì người nuôi sẽ buộc phải xuất chuồng hết, và họ sẽ không tái đàn nữa.
Lúc đó, dự báo sản lượng thức ăn chăn nuôi của lợn bán ra sẽ sụt giảm nữa. "Rất nhiều hộ chăn nuôi bán tháo bằng mọi giá, thậm chí bán cả đàn lợn nái vì lo lắng, thua lỗ rất lớn. Trong trường hợp đó, hiệu ứng domino gây phá sản hệ thống người chăn nuôi, cung cấp con giống và đại lý phân phối cám còn kéo dài ngay cả khi hết dịch", ông Quang lo ngại.
Ngành thức ăn chăn nuôi ngừng tăng trưởng
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hội Thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi suy giảm sản lượng ít nhất 30%. Ngoài nguyên nhân người chăn nuôi lo, sợ bán tháo thì còn nguyên nhân nữa là chưa xác định được cơ chế lây lan từ đâu qua đâu, lây qua đường nào. Do vậy, xuất hiện cả mối lo lây lan qua thức ăn, đặc biệt là bột thịt.
Ảnh minh họa.
Các công ty sản xuất thức ăn chưa hẳn cấm sử dụng nhưng nhiều người đề phòng không nhập hàng nữa. Ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi tạo ra chuỗi ảnh hưởng dây chuyền đến: người chăn nuôi, người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho chế biến thức ăn chăn nuôi.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây đưa ra nhận định, dịch tả heo châu Phi (ASF) sẽ khiến nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam giảm trong 2019 và 2020. Cụ thể, nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam sẽ giảm còn 23,7 triệu tấn trong năm 2019 và 23,5 triệu tấn năm 2020 từ khoảng 23,8 triệu tấn năm 2018.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính chung, trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi hơn 1,614 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, tăng 0,28% so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường chính cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam trong 5 tháng qua vẫn là Argentina, Mỹ, Brazil và Trung Quốc...
Trong đó, Argentina trở thành thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với 571 triệu USD, chiếm 35,4% thị phần. Kế đến là thị trường Mỹ với kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 290 triệu USD, tăng 14,61% so với cùng kỳ năm 2018. Đứng thứ ba là Brazil với kim ngạch nhập khẩu hơn 114 triệu USD, giảm 38,46% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nên chia sẻ khó khăn với bà con, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá bán sản phẩm, duy trì sức cạnh tranh. Cùng với đó, từng doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các loại sản phẩm như cám gà, vịt, thủy sản... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.