Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại
Tại hội nghị, đại diện Sở TTTT tỉnh và Công an tỉnh Quảng Nam đã cung cấp thông tin 2 chuyên đề, nội dung cơ bản về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại; công tác bảo đảm nhân quyền trên địa bàn tỉnh trong năm 2024.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Giám đốc Sở TTTT tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: "Công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người thời gian qua đã được đảng, nhà nước quan tâm, đầu tư, các cơ quan nhà nước ngày càng có nhận thức tốt hơn và có trách nhiệm hơn trong cung cấp thông tin cho báo chí.
Ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 trong đó tiếp tục khẳng định quan điểm trong công tác thông tin, truyền thông về quyền con người là "lấy xây để chống, trong đó xây là chính".
Điều này, đặt ra cho công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người những nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch vừa thúc đẩy truyền thông quảng bá hình ảnh, đưa thông tin chân thực nhất về Việt Nam đến cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế".
Theo ông Nguyễn Hồng Lai, tại tỉnh Quảng Nam, ngày 26/12/2023 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 9034/KH-UBND về triển khai thực hiện đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; thông qua đó đặt ra yêu cầu về công tác tuyên truyền về quyền con người cần phải được triển khai trên cả 3 nội dung chính, đó là phổ biến, giáo dục kiến thức; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam.
Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong tỉnh về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của nhà nước ta; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ban, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong thực hiện công tác truyền thông về quyền con người đảm bảo thống nhất, thường xuyên, liên tục.
"Báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng trưởng thành và thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò là diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, của nhân dân; là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước, đặc biệt về quyền con người.
Với lợi thế là tính phổ cập, kịp thời và rộng khắp, báo chí là một kênh đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chính sách, pháp luật của đảng, nhà nước ta về QCN. Phát huy thế mạnh đặc trưng của mình, mỗi loại hình báo chí đều có thể tìm được những hình thức thích hợp để chuyển tải nội dung truyền thông QCN đến đối tượng một cách hiệu quả nhất.
Với mục đích và ý nghĩa đó, Sở TTTT tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị lần này nhằm mong muốn các nhà báo, phóng viên báo chí cùng chung tay với chính quyền địa phương phát huy cao nhất vai trò, sứ mệnh cao cả của báo chí trong việc tuyên truyền về những nỗ lực, thành tựu của đảng, nhà nước và của tỉnh Quảng Nam trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực.
Trong đó, tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, đặc biệt vùng miền núi, dân tộc, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau; những đánh giá, nhận định tích cực của dư luận, truyền thông quốc tế về kết quả công tác bảo đảm và phát triển quyền con người của Việt Nam. Các thông tin tích cực, đề cao các giá trị đạo đức, hướng thiện, lối sống nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lòng yêu nước, tự hào dân tộc…", ông Nguyễn Hồng Lai cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Lai, hội nghị lần này của tỉnh Quảng Nam được xem là hội nghị đầu tiên của cả nước tổ chức với quy mô cấp tỉnh trong cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại. Ở Trung ương, Bộ TTTT chủ trì phối hợp với thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ duy trì cơ chế Hội nghị định kỳ hằng tháng và cung cấp cho địa phương.
Vì vậy, trong năm 2025, chúng tôi sẽ nghiên cứu lồng ghép nội dung này vào các Hội nghị giao ban báo chí hằng quý hoặc các cuộc họp báo của tỉnh để kịp thời cung cấp các tài liệu, báo cáo về công tác Nhân quyền nói chung và của tỉnh Quảng Nam nói riêng đến các cơ quan báo chí...