Hơn 3.000 khách sạn, nhà nghỉ Ấn Độ đồng lòng không tiếp du khách Trung Quốc

07/07/2020 13:53 GMT+7
Một hiệp hội khách sạn tại Ấn Độ mới đây vừa ban hành lệnh cấm du khách Trung Quốc lưu trú tại hơn 3.000 cơ sở lưu trú của các thành viên trong hiệp hội sau khi làn sóng chống Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ tại nước này kể từ vụ xung đột biên giới.
Hơn 3.000 khách sạn, nhà nghỉ Ấn Độ đồng lòng không tiếp du khách Trung Quốc - Ảnh 1.

Hơn 3.000 khách sạn, nhà nghỉ Ấn Độ đồng lòng không tiếp khách Trung Quốc sau vụ xung đột biên giới

“Sau những hoạt động bất chính của Trung Quốc (ở vùng biên giới Ladakh), các thành viên Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Delhi đã quyết định không cho người Trung Quốc nào lưu trú trong các khách sạn, nhà nghỉ ở Delhi kể từ bây giờ’ - trích tuyên bố chung của hiệp hội.

Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Delhi đại diện cho nhiều khách sạn bình dân đang cung cấp khoản 75.000 phòng nghỉ tại thủ đô Ấn Độ. Các thành viên Hiệp hội này cũng quyết định không sử dụng đồ nội thất và thiết bị nhà bếp sản xuất tại Trung Quốc.

Động thái được đưa ra sau cuộc đụng độ biên giới Trung - Ấn tại khu vực Ladakh đối diện Tây Tạng làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đây được xem là lần xung đột biên giới tồi tệ nhất kể từ năm 1975 đến nay giữa hai nước láng giềng. Nó cũng kéo theo làn sóng tẩy chay Trung Quốc phổ biến tại Ấn Độ.

Một số doanh nhân, chủ cơ sở kinh doanh chỉ ra rằng thỏa thuận chung này sẽ làm xấu hơn nữa tình trạng của ngành khách sạn - nhà hàng sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Ấn Độ hiện vẫn chưa mở lại đường bay quốc tế do đại dịch, do đó lượng du khách quốc tế hầu như không có.

Trước đó, nhiều hiệp hội khác tại Ấn Độ cũng kêu gọi các chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc tương tự để đáp lại vụ 20 binh sĩ thiệt mạng do xung đột biên giới. Liên minh Thương nhân Ấn Độ đại diện cho 70 triệu thương nhân nước này đã kêu gọi tẩy chay sản phẩm xuất xứ Trung Quốc kể từ giữa tháng 6. Người tiêu dùng cũng được khuyến khích không sử dụng đồ trang trí và sản phẩm khác từ Trung Quốc trong các dịp lễ hội tôn giáo sắp tới. Trên khắp mạng xã hội Ấn Độ, hashtag #BoycottChineseProducts đã được chia sẻ rộng rãi và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, trong đó có cả các ngôi sao nổi tiếng Bollywood.

Về phía chính phủ cho đến nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang duy trì một đường lối cứng rắn với nhiều đòn trừng phạt kinh tế hướng đến doanh nghiệp Trung Quốc. Ví dụ, chính quyền Ấn Độ đã cấm các nhà mạng trong nước mua sắm thiết bị từ các nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc như ZTE hay Huawei; đồng thời cấm luôn 59 ứng dụng Trung Quốc khác bao gồm TikTok, WeChat, Weibo... tại Ấn Độ. Hàng loạt động thái bên lề như cấm các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng dự án đường bộ, bao gồm cả hình thức liên doanh; đình trệ thủ tục thông quan các lô hàng smartphone Trung Quốc… cũng phản ánh cách tiếp cận cứng rắn của phía Ấn Độ sau tranh chấp biên giới.

Nhưng nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng việc trả đũa các doanh nghiệp Trung Quốc có nguy cơ khiến nền kinh tế Ấn Độ chìm sâu hơn vào suy thoái. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ năm 2020 có thể tụt xuống -4,5%, thấp nhất trong 4 thập kỷ do hệ lụy của nhiều tháng liền phong tỏa quốc gia ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

Cho đến nay, Ấn Độ hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ 3 thế giới với gần 700.000 ca nhiễm và khoảng 20.000 ca tử vong, với tỷ lệ người nghèo chiếm đa số các trường hợp lây nhiễm. Tình trạng thất nghiệp tăng vọt, sản xuất đình trệ, người dân lâm vào đói nghèo… sẽ là một trở lực lớn nếu Ấn Độ muốn “làm căng” với Trung Quốc.

Trong khi đó, căng thẳng quân sự biên giới đang có xu hướng hạ nhiệt khi quân đội Trung Quốc hôm 6/7 đã rút khỏi khu vực biên giới tranh chấp, theo nguồn tin từ các quan chức Ấn Độ.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục