HSBC: Nắng nóng kỷ lục ở châu Âu, biến đổi khí hậu đe dọa nhấn chìm thiên đường du lịch Maldives
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố báo cáo về các tác động của biến đổi khí hậu đến ngành du lịch toàn cầu với nhan đề “Kỳ nghỉ nóng nực: Ngành du lịch trong bối cảnh khí hậu biến đổi”, chỉ ra ngành du lịch đang thay đổi khi phải đối mặt với tình hình nhiệt độ gia tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là du lịch ven biển.
Quá nóng để đi du lịch
Các chuyên gia cho biết các mức nhiệt độ cực đoan đang tiếp tục tác động đến miền nam châu Âu, bao gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha và Sicily; tất cả đều đã trải qua những đợt nắng nóng khắc nghiệt và nhiệt độ lên đến hơn 45°C. Điều này đang gây thiệt hại cho các điểm du lịch được ưa thích nhất trên thế giới; ví dụ, đồi Acropolis đã phải đóng cửa và khách du lịch trên đảo Sardinia của Ý buộc phải ở trong nhà suốt đợt nắng nóng.
Báo cáo chỉ ra ngành du lịch và lữ hành đang đối mặt vô số thách thức đến từ nhiệt độ cực đoan, trong khi ngành này đóng góp 6% cho GDP toàn cầu và tạo việc làm cho gần 290 triệu người trong năm 2021, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới.
Những đợt nắng nóng không ngừng gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm mất nước và say nắng, khiến khách du lịch không thể ra ngoài khám phá, cản trở các hoạt động sôi động thường thấy của ngành. Một bài báo đăng trên tạp chí Khoa học về Môi trường Toàn diện vào năm 2022 nêu bật bằng chứng cho thấy nhiệt độ tăng 1°C có thể làm tăng khả năng mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng lên 18%.
Hơn nữa, các nền kinh tế nhỏ và kém phồn vinh hơn có thể phải vật lộn để đối phó với nhu cầu làm mát ngày càng tăng khi khách du lịch tìm cách trốn khỏi mức nhiệt độ nóng như thiêu như đốt. Nhu cầu ngày càng cao đối với các khu vực gắn điều hòa cũng có khả năng khiến mức tiêu thụ năng lượng tăng mạnh, tạo áp lực cho lưới điện địa phương và tăng lượng phát thải.
Trăn trở đối với vùng ven biển
Bãi biển là các điểm du lịch nổi tiếng, chiếm gần 50% lượng khách du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, du lịch ven biển đang phải đối mặt với một mối đe dọa tiềm tàng do biến đổi khí hậu. Ngành này vốn là xương sống đối với một số nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới, bao gồm nhóm quốc đảo nhỏ đang phát triển (Small Island Developing States - SIDS), cũng là những nơi dễ bị ảnh hưởng nhất trước biến đổi khí hậu. Trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như lốc xoáy và lũ lụt, đã gây ra những rủi ro tức thì, thì mực nước biển dâng cao và quá trình axit hóa đại dương cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Ngoài ra, các tác động thứ cấp, chẳng hạn như mức độ dồi dào của nước và và sự lây lan của dịch bệnh, cũng ngày càng dấy lên quan ngại trong các cộng đồng ven biển cũng như khách du lịch.
Từ những khu nghỉ mát ven biển đẹp hút hồn đến những thị trấn bên bờ biển long lanh như tranh vẽ, nhiều điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng chẳng hạn như Maldives có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao. Nguy cơ này đang ngày càng trở nên rõ ràng – năm 2019, Indonesia đã công bố kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta để đối phó với mối đe dọa do mực nước biển dâng cao.
Theo các ước tính đến năm 2100, các sự kiện cực đoan liên quan đến mực nước biển dâng - mà trước đây chỉ xảy ra một lần mỗi thế kỷ - có thể xuất hiện ít nhất mỗi năm một lần tại nhiều vùng biển. Ngay cả khi đi theo lộ trình phát thải CO2 thấp, trung bình thế giới vẫn có khả năng mất đi 53% bãi biển có cát, kéo theo sự sụt giảm 30% số phòng khách sạn và 38% doanh thu du lịch vào năm 2100.
Các rủi ro tiềm tàng bao gồm bờ biển bị xói lở, cơ sở hạ tầng du lịch bị ngập lụt và gia tăng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể làm giảm giá trị giải trí của các điểm du lịch ven biển nổi tiếng, có khả năng ảnh hưởng đến các đơn vị vận hành kinh doanh, chẳng hạn như các công ty nghỉ dưỡng và khách sạn.
Nhiệt độ tăng lên cũng sẽ tác động đáng kể đến các tiểu ngành du lịch khác như: Du lịch sinh thái và nông nghiệp; Du lịch ở những khu vực có tuyết; Du lịch liên quan đến rừng…
Đại dịch COVID-19 đã cho thấy ngành du lịch dễ bị ảnh hưởng đến nhường nào. Các quốc gia kém phát triển phụ thuộc nhiều vào du lịch đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm cả tình trạng bất ổn xã hội khi lượng khách du lịch giảm đi do tác động của khí hậu nóng lên.
Các biện pháp thích ứng, các công cụ dự báo và cảnh báo sớm được cải thiện cũng như quản lý rủi ro thiên tai sẽ đóng vai trò quan trọng trong cách ngành du lịch ứng phó với những rủi ro trong tương lai. Cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như kè chắn sóng và kết cấu đê chắn sóng, và khu vực bảo tồn các hệ thống tự nhiên như rừng ngập mặn, là những biện pháp bảo vệ bờ biển quan trọng.
Các chiến lược về nơi ở, như nâng nền nhà ở và cơ sở hạ tầng chính yếu có thể giúp giảm tác động của lũ lụt. Một số khu vực đã và đang áp dụng các biện pháp dựa vào hệ sinh thái để ứng phó với biến đổi khí hậu. Các rạn san hô nhân tạo ngày càng được sử dụng nhiều hơn để hỗ trợ phục hồi rạn san hô ở các quốc gia như Antigua và Grenada. Tại Vanuatu, các doanh nghiệp du lịch đã tham gia thành lập các khu bảo tồn biển để giải quyết các rủi ro liên quan đến khí hậu…
“Khi tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng, các biện pháp thích ứng sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong việc bảo vệ các khu vực dễ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cần phải thừa nhận sự bền vững lâu dài phụ thuộc vào cách tiếp cận trên diện rộng, kết hợp các chiến lược thích ứng với nỗ lực toàn cầu nhằm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính”, báo cáo nhấn mạnh.