Huawei lại vướng cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại, bị Panasonic "từ mặt"

23/05/2019 12:00 GMT+7
Hàng loạt những diễn biến mới đây đã đẩy xung đột thương mại Mỹ Trung ngày một căng thẳng và kịch tính hơn.

Hôm thứ Tư 22/5 (giờ địa phương), một công ty sản xuất con chip và vi mạch tại thung lũng Silicon (Mỹ) mà đứng sau là Dell và Microsoft bất ngờ cáo buộc Eric Xu, Phó chủ tịch tập đoàn Huawei liên quan đến các kế hoạch đánh cắp bí mật thương mại của mình.

CNEX cho hay đã đệ trình các cáo buộc lên tòa án liên bang tại Texas, và vụ kiện sẽ được xét xử vào đầu tháng 6 tới. Công ty này đồng thời cáo buộc một trường đại học của Trung Quốc - đại học Hạ Môn tham gia vào kế hoạch đánh cắp công nghệ lưu trữ ổ cứng máy tính của Huawei.

Cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh Huawei vừa bị chính quyền Tổng thống Trump đưa vào danh sách đen do vi phạm lợi ích an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của nước này.

Trong một diễn biến khác, trùm công nghệ Nhật Bản Panasonic hôm nay bất ngờ tuyên bố đã đình chỉ mọi giao dịch kinh doanh với Huawei để tuân thủ lệnh hạn chế thương mại mà  Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra hồi cuối tuần trước. Dù Panasonic không có cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ, việc hạn chế thương mại sẽ được áp dụng lên các hàng hóa, sản phẩm chứa từ 25% công nghệ hoặc linh kiện, vật liệu từ Mỹ. Như vậy, sau hàng loạt ông lớn như Google, Qualcomm, Intel…, Panasonic là cái tên tiếp theo hưởng ứng danh sách đen của Nhà Trắng.

Bị Panasonic "từ mặt", Huawei đứng giữa tâm bão

Dù đã ra lệnh nới lỏng thương mại trong vòng 90 ngày, chính quyền ông Trump vẫn tiếp tục gây áp lực lên các nước đồng minh trong việc thực hiện hạn chế thương mại với Huawei và các công ty trong danh sách đen mà nước này đưa ra. Hàn Quốc là quốc gia mới nhất được Mỹ kêu gọi hưởng ứng sắc lệnh này.

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc hôm nay đưa tin, Washington đang thúc giục các đồng minh thể hiện rõ quan điểm trong cuộc xung đột thương mại Mỹ Trung bằng cách lên tiếng hưởng ứng lệnh hạn chế thương mại vừa ban bố, do các quan ngại về hoạt động gián điệp từ Huawei và Bắc Kinh. Một quan chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cảnh báo trong cuộc hội đàm gần đây, các thiết bị viễn thông từ LG Uplus Corp được nhập khẩu từ Huawei có thể không an toàn và bảo mật.

Theo một nguồn tin thân cận, đây không phải lần đầu tiên chính phủ Mỹ cảnh báo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về nguy cơ gián điệp từ các thiết bị công nghệ viễn thông của Huawei. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra phản hồi về lời kêu gọi của Mỹ.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục