Kết quả kinh doanh xác nhận doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu lao đao
Baidu - công cụ tìm kiếm được sử dụng chủ yếu tại Trung Quốc công bố khoản lỗ hàng quý đầu tiên kể từ khi niêm yết năm 2005, số liệu từ Reuters. Công ty truyền thông Tencent báo cáo mức tăng trưởng doanh thu hàng quý 16%, thấp nhất trong lịch sử. Còn Alibaba dự kiến tăng trưởng doanh thu trong năm 2019 giảm khoảng 6% so với 2018.
Đầu tuần này, Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng công bố lợi nhuận công nghiệp nước này giảm 3.4 % trong 4 tháng đầu năm nay. Tất cả những dấu hiệu trên thị trường đang báo trước một năm khó khăn với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Kể từ quý II/2018, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt biện pháp kích thích tăng trưởng để giữ cho nền kinh tế vận hành bình thường trước áp lực ngày càng tăng của Mỹ.
Nền kinh tế Trung Quốc ảm đạm giữa bối cảnh xung đột thương mại leo thang
Một trong những chiến lược của Bắc Kinh là thúc đẩy khả năng tài chính của các công ty tư nhân. Tân Hoa Xã nhận định, các doanh nghiệp tư nhân là chìa khóa cho sự thịnh vượng kinh tế và xã hội Trung Quốc, vì họ đóng góp tới 90% việc làm mới và 70% đổi mới công nghệ.
Bởi vậy, khi tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, chính phủ Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố giảm thuế và ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi, trong đó chỉ đạo các ngân hàng tăng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ phát triển. Những nỗ lực đang được đền đáp phần nào khi thống kê cho thấy dòng tiền từ doanh nghiệp tư nhân nhỏ đã chảy về khá ổn định, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quý I/2019. Tuy nhiên, nó chưa đủ để bù đắp những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại.
Về phía các ngân hàng, những chính sách của chính phủ trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân có thể sẽ gây ra những rủi ro nhất định
Cameron Weijian Shan, CEO công ty đầu tư PAG cho hay: "Tôi thật sự thấy rằng các ngân hàng nên là người đưa ra quyết định tín dụng dựa trên uy tín của đối tượng vay. Với hệ thống quản lý rủi ro được áp dụng tại các ngân hàng Trung Quốc kể từ cuộc cải cách ngân hàng đầu những năm 2000, họ có khả năng đáp ứng các mục tiêu chính sách hỗ trợ mọi đối tượng tín dụng."
Tất nhiên, dù tốc độ tăng trưởng chững lại, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. GDP nước này tăng 6.4% trong quý I/2019, một con số bị đông đảo giới phân tích kinh tế nghi hoặc. Chính phủ Trung Quốc dự đoán, đất nước sẽ đạt tăng trưởng GDP khoảng 6 đến 6.5% trong năm nay, bất chấp căng thẳng chiến tranh thương mại leo thang.