Khách hàng lại căng băng rôn đòi nhà 8B Lê Trực
Chiều ngày 8/2, nhiều khách hàng mua căn hộ tại công trình 8B Lê Trực, phường Điện Biên đã tập trung căng băn rôn với các dòng chữ “Yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền trả nhà cho cư dân – Mua nhà đã 5 năm nhưng chúng tôi chưa được về ở”, “Kính đề nghị Chủ tịch Thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm để trả nhà cho chúng tôi 8B Lê Trực” ngay dưới cổng vào công trình.
Sau đó, nhiều khách hàng cũng đã kéo nhau tới trụ sở UBND phường Điện Biên để yêu cầu đối thoại, tuy nhiên, không được hồi đáp.
Theo quan sát của PV, tòa nhà 8B Lê Trực đang thi công dở dang và được bao quanh bởi một hàng rào làm bằng tôn. Phía trong công trình im ắng và không có hoạt động thi công.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên khách hàng mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực căng băng rôn đòi nhà. Tuy nhiên, theo nhiều khách hàng, lần tập trung này xuất phát từ thông tin cơ quan chức năng đưa cẩu tháp vào công trình để thực hiện cưỡng chế giai đoạn 2 là phá đỡ tầng 17, 18 của công trình. Để đảm bảo quyền lợi, các chủ căn hộ ở đây cũng mong muốn được đối thoại với các cơ quan chức năng.
Đại diện nhóm khách hàng mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực, bà N.T.X, cho biết, đến nay khách hàng chưa nhận được thông báo, quyết định nào liên quan tới việc công trình sai phạm ở tầng 17, 18 và buộc phải phá dỡ. “Chúng tôi không chấp nhận phương án phá dỡ tầng 17 và 18, bởi đây là tài sản hợp pháp của chúng tôi. Khi chúng tôi mua căn hộ ở đây thì 2 tầng trên đều có trong giấy phép và các quyết định quy hoạch. Tại sao phá?”, bà X. nói.
Cũng có mặt tại dự án trong chiều nay, ông N.V.T - một khách hàng mua căn hộ tại đây cũng bức xúc: “Tôi là cư dân ở đây, tôi đề nghị, chính quyền khi phá dỡ, cưỡng chế phải đúng quy định và phương án đó phải được lấy ý kiến người dân. Nguyên tắc, phương án phải đảm bảo an toàn trong khi tháo dỡ và đủ điều kiện an toàn sau này cho người dân khi về ở”.
Một chủ căn hộ khác tại đây cũng cho rằng, chính quyền cần có động thái đối thoại để nghe ý kiến của những người dân có quyền lợi tại dự án này. “Là người dân mua nhà hợp pháp tại đây, chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng giải quyết sao cho chúng tôi được về căn hộ đã mua, cho chúng tôi được ở như người dân bình thường. Chúng tôi không đòi hỏi gì hơn. Chúng tôi không làm sai gì cả. Chúng tôi chỉ kêu cứu, không chống đối ai", chủ căn hộ 503 nói.
Liên quan tới thông báo cưỡng chế phá dỡ tầng 17, 18 công trình sai phạm 8B Lê Trực, ngày 3/2, Chủ đầu tư - Công ty cổ phần May Lê Trực đã có văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị không cưỡng chế phá dỡ 2 tầng trên và không lắp dựng cẩu tháp.
Theo nội dung văn bản kiến nghị, Công ty cổ phần May Lê Trực cho rằng, dự án 8B lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng theo quy định. Theo đó, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định áp dụng cưỡng chế của UBND quận Ba Đình trên cơ sở Giấy phép xây dựng là trái quy định của pháp luật.
Cũng trong văn bản kiến nghị, Công ty cổ phần May Lê Trực còn cho rằng, dự án 8B Lê Trực thực hiện theo Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của UBND TP Hà Nội được phép xây dựng 20 tầng, chiều cao là 70m (17 tầng chính +2 tầng kỹ thuật + 1 tầng mái); Các tầng 17, 18, 19, 20 mà UBND quận Ba Đình, phường Điện Biên yêu cầu phá dỡ đều có trong Quy hoạch chi tiết.
Ngoài ra, Công ty cổ phần May Lê Trực lập luận, Giấy phép xây dựng cấp cho dự án 8B Lê Trực sai quy định pháp luật vì không đúng TCVN và sai với Quy hoạch chi tiết. Đơn cử: Chiều cao tầng thương mại theo quy định của Nhà nước và Quy hoạch là 4,5m/ tầng nhưng cấp phép chỉ 2,6m/ tầng; Chiều cao các tầng văn phòng theo quy định Nhà nước và Quy hoạch là 3,9m/ tầng nhưng cấp phép chỉ 3m/tầng; Chiều cao căn hộ theo quy định Nhà nước và Quy hoạch là 3,3m/ tầng nhưng cấp phép bị thiếu 0,3m/tầng…
Đối với thông báo số 50 về việc cưỡng chế phá dỡ giai đoạn 2 của công trình 8B Lê Trực, Công ty May Lê Trực yêu cầu việc phá dỡ phải được thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật. Cụ thể, phải có phương án thiết kế tháo dỡ, được đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra, được Phòng quản lý đô thị xem xét cho ý kiến giải pháp phá dỡ trước khi trình UBND quận ra quyết định phê duyệt.
Trước khi UBND phường Điện Biên đưa nhà thầu vào công trường để thực hiện việc phá dỡ thì doanh nghiệp phải được nhận Hồ sơ Phương án phá dỡ kèm theo Dự toán chi phí được các nhà tư vấn có đủ năng lực lập và thẩm định và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời phải bàn giao cho Công ty Hồ sơ phương án phá dỡ và Hồ sơ thanh quyết toán chi phí phá dỡ tầng 19, tầng mái 20 (giai đoạn 1) theo đúng quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, ngày 05/2, UBND quận Ba Đình đã có văn bản gửi Công ty điện lực, UBND phường Điện Biên về việc tạm ngừng cấp điện cấp điện công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực. Trong đó, UBND quận Ba Đình yêu cầu: Công ty Điện lực phối hợp với UBND phường Điện Biên tổ chức, kiểm tra xem xét việc cắt điện tại công trình 8B Lê Trực trước ngày 8/2/2020; Đồng thời đảm bảo nguồn điện phục vụ công tác cưỡng chế giai đoạn 2 công trình trên.