Khi giá dầu rẻ như nước lã, loạt quốc gia vội vã cắt giảm sản lượng
Trong lịch sử gần 40 năm, giá dầu WTI chưa bao giờ giao dịch dưới 10 USD/ thùng. Nhưng đại dịch Covid-19 đã phá vỡ những giới hạn và xóa sổ hoàn toàn mọi viễn cảnh lạc quan của nền kinh tế toàn cầu sau khi Mỹ - Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại. Hàng tỷ người bị hạn chế di chuyển do lệnh cách ly, phong tỏa từ các chính phủ. Hàng triệu doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại… tạm đóng cửa. Hãng hàng không giảm tối đa công suất hoạt động và máy bay nằm la liệt trên đường băng. Ngay cả trong những cuộc chiến tranh, khủng hoảng tài chính và suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, chưa bao giờ người ta chứng kiến những nỗ lực cách ly hàng tỷ người dân như vậy.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là quốc gia gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Tính đến hết ngày 25/4, Mỹ xác nhận 939.991 ca nhiễm Covid-19 và 53.822 ca tử vong. Lệnh hạn chế kiểm dịch gần như đang đóng băng nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, các công ty năng lượng của Mỹ cũng là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá dầu giảm sâu, do công nghệ sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tốn kém hơn hẳn các quốc gia khác như Nga, Saudi Arabia.
Dù giá dầu âm chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất trước khi phục hồi trở lại, các nhà phân tích cảnh báo nó có thể là điềm báo cho chuỗi ngày ảm đạm của thị trường dầu trong tương lai. Frederick Lawrence, phó chủ tịch kinh tế tại Independent Petroleum Association of America nhận định: “Những gì xảy ra với hợp đồng tương lai dầu WTI trong ngày hôm đó (20/4) cảnh báo mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến”.
Nhu cầu dầu toàn cầu bị đại dịch Covid-19 đè bẹp trong khi các kho dự trữ dầu trên toàn cầu sắp tràn trong vài tuần tới. Nhu cầu dầu dự kiến sẽ giảm 29 triệu thùng/ ngày trong tháng 4, theo ước tính của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA. Nhiều nhà sản xuất đã buộc phải cắt giảm mạnh sản lượng dầu, thậm chí xem xét đóng cửa giếng dầu do không còn chỗ chứa. Mới đây, nhà nghiên cứu năng lượng Kpler dự kiến các kho lưu trữ dầu trên bờ toàn cầu hiện đã đầy 85%.
Trên khắp thế giới, các chính phủ và doanh nghiệp sản xuất dầu mỏ đang bắt đầu cắt giảm sản lượng. Nga, một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới thậm chí xem xét phương án đốt bớt dầu để tránh tình trạng dầu tràn ngập thị trường.
Các doanh nghiệp Mỹ hiện cắt giảm sản lượng lên tới hơn 600.000 thùng/ ngày. Trùm dầu mỏ Mỹ Harold Hamm sở hữu công ty Continental Resources Inc hồi tuần qua cũng đột ngột đóng cửa nhiều giếng dầu ở Oklahoma và Bắc Dakota, đồng thời viện dẫn lý do bất khả kháng để giải thích cho việc không thể giao dầu thô đến tay khách hàng.
Canada cũng cắt giảm sản lượng tới 300.000 thùng/ ngày, trong khi tập đoàn dầu khí nhà nước Brazil Petrobras tuyên bố cắt giảm 200.000 thùng/ ngày.
OPEC+ sẽ thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu/ ngày từ đầu tháng 5. Nhưng nhiều nhà phân tích chỉ ra con số này là không đủ để cứu vãn nhu cầu dầu giảm sâu và giá dầu lao dốc. Thậm chí một số ước tính chỉ ra rằng ngay cả khi các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC ngừng sản xuất hoàn toàn, tình trạng cung vượt quá cầu trên thị trường dầu mỏ vẫn có thể xảy ra.