Khốc liệt cạnh tranh dự thầu cao tốc Bắc - Nam
Dự án cao tốc Bắc – Nam được chia thành 11 dự án, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án BOT đầu tư theo hình thức PPP.
Theo nghị quyết 52 của Quốc hội, từ nay đến 2021 cả nước sẽ xây dựng 654 km cao tốc Bắc – Nam phía Đông với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng. Dự án cao tốc Bắc – Nam được chia thành 11 dự án, trong đó có 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) và 8 dự án BOT đầu tư theo hình thức PPP (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây).
Sau hơn 2 tháng chào bán và nhận hồ sơ sơ tuyển, tính đến nay, 8 dự án PPP của tuyến cao tốc Bắc - Nam đã có 60 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nộp hồ sơ dự tuyển.
Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam chiếm 29 đơn vị tham gia dự thầu cao tốc Bắc – Nam nhưng đa số các doanh nghiệp này chọn cách liên danh với nhau hoặc với nhà đầu tư Trung Quốc. Đơn cử như Liên danh Công ty CP tập đoàn Đèo Cả - Tổng công ty đầu tư xây dựng Hoàng Long – Công ty CP đầu tư xây dựng Hải Thạch – Công ty CP bê tông Hà Thanh đã nộp hồ sơ tại ba dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Ông Trần Văn Thế - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cao tốc Bắc – Nam là dự án lớn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài có nhiều thế mạnh về kinh nghiệm và vốn nên cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Để có cơ hội trúng thầu, nhà đầu tư trong nước phải liên kết lại hoặc liên kết với nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao tỷ lệ trúng thầu.
Bên cạnh đó, dự án cao tốc Bắc – Nam còn thu hút được nhiều hồ sơ dự tuyển từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Theo thống kê, có 16 nhà đầu tư Trung Quốc đến sơ tuyển tại cao tốc Bắc – Nam. Trong đó có nhiều công ty thuộc các tập đoàn đường sắt như Tập đoàn Cục 16 đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn Cục 21 đường sắt Trung Quốc, China Railway Construction Investment Group Co, China Railway Construction Corp...
Dự án cao tốc Bắc - Nam thu hút nhiều hồ sơ dự tuyển từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Xếp sau đó là Hàn Quốc với 5 nhà đầu tư, trong đó có các tên tuổi quen thuộc như Daewoo, Lotte,...Chỉ có hai doanh nghiệp đến từ Pháp, Singapore và Philippines, mỗi quốc gia có một đại diện tham dự.
Theo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), sau khi có kết quả sơ tuyển, quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ bắt đầu từ tháng 10, sau đó là công tác chấm thầu, phê duyệt kết quả trong tháng 3/2020; đàm phán, ký kết hợp đồng trong tháng 4/2020.
Các Ban QLDA sẽ chấm sơ tuyển để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư theo các tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu. Cụ thể, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm; năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm 10 điểm. Mỗi dự án sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư được tính theo thang điểm từ cao xuống thấp.
Bộ GTVT cũng sẽ đưa quy định của Điều 5, Luật Đấu thầu vào hồ sơ mời thầu để bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài khi trúng thầu phải liên danh hoặc sử dụng thầu phụ của Việt Nam thi công nhằm phát huy năng lực của các doanh nghiệp trong nước.
Việc lựa chọn nhà đầu tư cũng cần phải được tính toán, cân nhắc, nghiêm túc trên cơ sở công khai, minh bạch và đặc biệt phải rút kinh nghiệm từ các dự án do các nhà thầu nước ngoài tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam để có lựa chọn tốt nhất.
TS. Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhận định, các nhà thầu Trung Quốc thường có nhiều “chiêu trò” để vượt qua các bước đánh giá kỹ thuật, năng lực; để rồi sau khi trúng thầu, các nhà thầu Trung Quốc lại xin điều chỉnh nhiều thứ, làm chậm tiến độ, gây đội vốn, nâng tổng mức đầu tư của dự án liên gấp nhiều lần, chưa kể để lại nhiều hệ lụy về chất lượng công trình.
Trong hồ sơ mời thầu, hợp đồng dự án sắp tới, Bộ GTVT cũng sẽ đưa ra các chế tài xử phạt nặng đối với những nhà đầu tư không đảm bảo yêu cầu tiến độ và chất lượng công trình.
Tại cuộc họp về công tác thiết kế kỹ thuật các dự án đường bộ trên tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông tổng hợp các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, thống nhất nội dung, tổ chức triển khai. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương báo cáo đánh giá việc sử dụng đường bộ cao tốc trong thời gian vừa qua, những mặt được và chưa được trong chất lượng.
Ngoài ra, cũng thống nhất theo đề xuất của các đơn vị liên quan về bề rộng mặt cắt ngang cầu, các tiêu chuẩn kết cấu mặt đường đảm bảo êm thuận, đưa vật liệu tiên tiến và phù hợp vào công trình để tránh hằn lún, đảm bảo đúng tiêu chuẩn đường cao tốc; đưa ứng dụng công nghệ hiện đại để làm tốt khâu khảo sát, thiết kế dự án đường cao tốc Bắc - Nam.