Không phải thương mại, công nghệ mới là cuộc chiến lớn Mỹ- Trung

08/05/2019 07:05 GMT+7
Trong khi cả thế giới, nhất là các thị trường tài chính, nháo nhào với thông điệp đe dọa đánh thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump thì các chuyên gia lại cho rằng, hai bên đang đối đầu ở cuộc chiến lớn nhất là công nghệ.

Cuộc chiến công nghệ đã có những “nạn nhân” đầu tiên là Huawei.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn trở thành những nhà lãnh đạo thế giới về công nghệ như 5G và trí tuệ nhân tạo. Đây mới là trở ngại chính trong việc giải quyết các xung đột thương mại giữa hai bên.

Cuối tuần qua Tổng thống Donald Trump đã đăng trên tweeter rằng Mỹ sẽ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ mức 10% hiện tại vào thứ Sáu, đồng thời đang lên kế hoạch đánh thuế thêm 325 tỷ USD hàng nhập khẩu khác với mức thuế 25% trong tương lai gần.

Những lời lẽ này đã hướng sự chú ý của thế giới vào cuộc đàm phán thương mại then chốt vào tuần này. Tuy nhiên một vấn đề thực sự lớn khác lại ở ngay trước mắt, là hai nước đang ganh đua trong mặt trận các công nghệ mới. Trận chiến giành vị trí thống trị công nghệ 5G đã khiến hãng Huawei phải đối mặt với áp lực chính trị dữ dội từ Mỹ trong bối cảnh lo ngại thiết bị của họ có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng trong hoạt động gián điệp.

“Thuế quan, thương mại, hàng hóa chỉ là những thứ được trưng ra”, ông Keith Geoffrey Yu, người đứng bộ phận đầu tư tại Anh của UBS Wealth Management, nhận định. “ Có những dấu hiệu rõ ràng của sự tranh chấp giữa hai cường quốc sẽ là về công nghệ, nền tảng 5G và những vấn đề liên quan. Đây sẽ là một cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ”.

Thậm chí, công nghệ có thể mới là vấn đề cốt yếu cần giải quyết để có được giải pháp hoàn chỉnh cho tranh chấp giữa Washington và Bắc Kinh. Chẳng hạn, yêu cầu chấm dứt “chuyển giao công nghệ bắt buộc” là một phần quan trọng trong các yêu cầu của Mỹ. Phía Mỹ cho rằng các công ty nước này bị yêu cầu chuyển giao bí quyết công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Nhưng không chỉ có vậy, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đang trong cuộc đua khốc liệt nhằm khai thác tiềm năng của các công nghệ mới, bao gồm 5G, trí tuệ nhân tạo và robot và để giành vị trí dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực đó.

“Chúng ta đang ở một thời đại rất khác, nơi cả người Trung Quốc, người Mỹ - và có lẽ cả phần còn lại của phương Tây - đang thực sự cố gắng tận dụng lợi thế của các công nghệ mới”, ông Edward Tse, Giám đốc điều hành của hãng Gao Feng Advisory, nói. “Tất cả mọi người đang cố gắng tận dụng ưu thế công nghệ mới để đưa ra những ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới và những phát minh sáng tạo mới. Cuộc đua bây giờ rất khác so với một thập kỷ trước”.

Chuyên gia này cho rằng lĩnh vực mà Trung Quốc có thể có lợi thế là học máy, nhờ số lượng lớn các dữ liệu cá nhân có quyền truy cập. Lợi thế này có được là do Trung Quốc có cách tiếp cận khác với các quốc gia phương Tây về những vấn đề như dữ liệu riêng tư.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã nói rõ, muốn nước Mỹ trở thành quốc gia lãnh đạo trong lĩnh vực 5G, khi nói rằng ông muốn 5G, thậm chí là “6G” càng sớm càng tốt.

Một lĩnh vực nữa gọi là sự phân mảng mạng internet (splinternet). Vấn đề này đã xuất hiện từ cuối năm 2018 khi cựu Giám đốc điều hành Google, ông Eric Schmidt, cảnh báo về nguy cơ dòng chảy thông tin trên mạng giữa các nước không liên quan gì với nhau. Và điều này sẽ hạn chế đáng kể hoạt động thương mại điện tử toàn cầu cũng như nhiều hoạt động khác trong không gian số. Trung Quốc đã có hệ thống tường lửa (Great Firewall) chặn truy cập vào một số trang web nước ngoài. Mạng internet có thể bị phân mảng với một nền tảng do Trung Quốc lãnh đạo tách ra khỏi nền tảng do Mỹ lãnh đạo.

Minh Kỳ
Cùng chuyên mục