Không thay đổi, nông sản Việt khó tận dụng lợi thế FTA

12/07/2019 16:58 GMT+7
Dù có các hiệp định thương mại tự do như EVFTA hay CPTPP, nông sản Việt Nam vẫn gặp rất nhiều thách thức trong việc tìm đường ra thị trường quốc tế, nguyên nhân chủ yếu do nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Ch 30% doanh nghiệp có dây chuyền chế biến hiện đại

Các hiệp định thương mại tự do được kí kết thực chất chỉ là bước đệm để nông sản Việt có cơ hội bước chân sang EU, còn bước được hay không, bước như thế nào và cạnh tranh với các nước ra sao lại phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân nông sản. Nếu không thị đáp ứng những yêu cầu khắt khe của EU, hàng hóa Việt Nam hoàn toàn có thể bị “đánh bay” bởi các thị trường đầy kinh nghiệm như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.

Bước ra thị trường lớn, nông sản phải đủ mạnh để có thể đứng vững trên thị trường

Nhớ lại năm 2007, mật ong Việt Nam bị EU cấm nhập khẩu 5 năm do không đạt yêu cầu và không tuân thủ theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2014, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu EC đã được các nước thành viên EU thông báo 3 lần liên tiếp về việc 3 chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU bị phát hiện có vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng trên cây húng quế và mướp đắng. Bài học nhãn tiền vẫn còn đó, tuy thực tế này không phổ biến nhưng nó làm “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến thị trường khó tính EU cân nhắc và kiểm tra kĩ hơn các mặt hàng có xuất xứ Việt Nam.

Bởi chủ yếu quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ theo hình thức hộ kinh doanh nên rất khó để áp dụng khoa học công nghệ và quản lí chất lượng sản phẩm. Chủ yếu phụ thuộc rất lớn vào sự kiểm soát và quản lí của hộ kinh doanh nên rất khó để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cao. Thực tế nước ta hiện nay, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp chế biến có áp dụng dây chuyền chế biến hiện đại nên việc nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm là vô cùng khó.

Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam có áp dụng dây chuyền chế biến hiện đại 

"Nếu Việt Nam muốn đưa hoa quả vào thị trường châu Âu phải tôn trọng họ, tuân thủ các quy định. Một khi chứng minh được rằng tôi đã quan tâm đến an toàn của bạn, chúng ta hoàn toàn có thể bán hàng vào EU", ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Tại cuộc hội thảo: “CPTPP – Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”, ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - phát biểu: “70% doanh nghiệp thiếu thông tin về hội nhập”. Thực tế không chỉ những yêu cầu khắt khe từ EU mà chính doanh nghiệp đang tự tạo rào cản cho chính mình. Tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định của các doanh nghiệp còn thấp, trong năm 2018, tận dụng FTA Asean – Úc/Newzealand chỉ đạt 34%, FTA Asean – Trung Quốc là 29%. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực cạnh tranh với thị trường của doanh nghiệp còn yếu, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thô, không qua chế biến,...

Tuân th để "đánh chiếm" thị trường bền vững

Tôn trọng người tiêu dùng, các yêu cầu của nước nhập khẩu; chủ động làm mới chính mình bằng cách áp dụng nghiêm ngặt các quy định; chủ động tìm hiểu thông tin và áp dụng vào thực tiễn là cách mà rất nhiều doanh nghiệp đã đưa được sản phẩm vào thị trường EU một cách bền vững và lâu dài. Thay đổi là rất khó nhưng không phải không thể. Khi mức thuế giảm thì đồng nghĩa các yêu cầu khác sẽ tăng lên. Nếu không thay đổi, doanh nghiệp không những không vươn xa, mà sẽ "chết" trong chính thị trường sân nhà.

Bà Miriam Garcia Ferrer - Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - cho rằng: "Doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận các thị trường mới và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau ở châu Âu để hiểu về nhu cầu của từng thị trường địa phương. Đồng thời, cần chọn kênh phân phối phù hợp; chú trọng sở thích hương vị địa phương, chất lượng và cấu trúc thị trường…"

Ông Hong Sun - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam - cho rằng các sản phẩm nông sản của nước ta rất tốt, rất ngon, nhưng lại khó xuất khẩu vì thương hiệu chúng ta chưa đủ mạnh. Bởi vậy, muốn hàng nông sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh tại thị trường EU, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu hàng nông sản, coi trọng đăng ký thương hiệu, thiết kế nhãn mác và mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, liên kết với người sản xuất nguyên liệu đăng ký xuất xứ hàng hóa, đảm bảo các chứng chỉ cần thiết khi xuất khẩu vào thị trường EU. Trong thời buổi hội nhập, thương hiệu là một trong những yếu tố sống còn của một doanh nghiệp. 

Mai Trang
Cùng chuyên mục