Khủng hoảng năng lượng trầm trọng, Trung Quốc sẽ phải gác lại kế hoạch cắt giảm phát thải carbon?
“Giống như các thị trường khác ở châu Á và châu Âu, Trung Quốc phải cân bằng giữa nhu cầu trước mắt là có điện – tức nhập khẩu nhiều than hơn - và thể hiện cam kết của mình đối với các mục tiêu khử cacbon” - nhận định của ông Gavin Thompson, Phó chủ tịch mảng tư vấn năng lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Wood Mackenzie.
“Nhưng thực tế ngắn hạn là Trung Quốc và nhiều nước khác không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng tiêu thụ than để đáp ứng nhu cầu điện năng” - ông Thomson viết trong một báo cáo.
Việc cắt điện ở các mức độ khác nhau đã được triển khai tại 20 tỉnh trên khắp Trung Quốc kể từ giữa tháng 8. Một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng điện là sự thiếu hụt nguồn cung cấp than, trong khi Bắc Kinh nỗ lực bắt kịp các mục tiêu khí thải.
Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến hoạt động sản xuất tại nhiều nhà máy ở Trung Quốc bị đình trệ - và khiến các ngân hàng lớn cắt giảm dự báo GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Các mục tiêu môi trường của Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái đã tuyên bố rằng: lượng khí thải carbon của Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm vào năm 2030 và nước này sẽ đạt đến trung hòa carbon vào năm 2060.
Để đạt được những mục tiêu đó, Trung Quốc đã đưa ra chính sách “kiểm soát kép” yêu cầu các tỉnh hạn chế sử dụng năng lượng và cắt giảm cường độ sử dụng năng lượng - được định nghĩa là lượng năng lượng được sử dụng trên một đơn vị GDP.
Vào giữa tháng 8, cơ quan kế hoạch kinh tế của Trung Quốc thông báo rằng có 20 tỉnh không đạt được ít nhất một trong hai mục tiêu trong nửa đầu năm 2021. Tháng trước, cơ quan này đã cập nhật chính sách “kiểm soát kép” với các biện pháp nghiêm ngặt hơn - và điều đó đã góp phần vào việc phân bổ điện năng trên cả nước.
Các nhà kinh tế tại Barclays cho biết: “Thực hiện nghiêm túc các mục tiêu đó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 1-3% trong quý 4 năm 2021 và quý 1 năm 2022. Vì vậy, các nhà kinh tế Trung Quốc có khả năng sẽ nới lỏng hai mục tiêu này”. Tuy nhiên, chỉ còn ba tháng trước khi kết thúc năm, có lẽ sẽ rất khó để Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu ‘kiểm soát kép’ trong năm nay.
Họ cũng cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng chính phủ có thể sẽ triển khai một cách linh hoạt các mục tiêu của mình, đặc biệt là trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng vốn đã chậm lại và dự báo cho một mùa đông lạnh hơn bình thường”.
Nhập khẩu than tăng đáng kể
Trung Quốc, quốc gia phát thải carbon hàng đầu thế giới, phụ thuộc rất nhiều vào than để sản xuất điện .
Theo ước tính của Barclays, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, than đá chiếm 62% tổng sản lượng điện của Trung Quốc. Theo sau đó là thủy điện ở mức 14%, khí đốt và dầu ở mức 10%.
Ngân hàng này cho biết Úc là nhà cung cấp than hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2019 và chiếm 39% tổng lượng than nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngừng mua than từ Úc vào năm ngoái. Quan hệ song phương giữa hai nước trở nên xấu đi sau khi Úc ủng hộ lời kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc và cách thức xử lý đại dịch COVID-19 của Trung Quốc.
Các quan chức Chính phủ Trung Quốc được cho là đã hối thúc các công ty năng lượng nhà nước hàng đầu phải đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho mùa đông bằng mọi giá. Điều đó có thể bao gồm việc nới lỏng các hạn chế đối với việc nhập khẩu than của Úc. Bởi lẽ “Lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu than trong nước”, theo các nhà kinh tế của Barclays.
Barclays kỳ vọng Trung Quốc sẽ “tăng đáng kể” nhập khẩu than trong quý IV, đặc biệt là từ các nước xuất khẩu than lớn. Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu giải phóng than của Úc bị mắc kẹt tại các cảng của Trung Quốc do lệnh cấm nhập khẩu, Reuters đưa tin. Hãng tin này còn cho biết, khoảng một triệu tấn than của Úc đã được lưu giữ tại các kho ngoại quan dọc theo bờ biển của Trung Quốc.
Thúc đẩy năng lượng tái tạo
Việc tăng cường sử dụng than đá sẽ giúp Trung Quốc tránh được tình trạng khủng hoảng điện kéo dài và kinh tế suy thoái mạnh. Nhưng điều đó sẽ phải trả giá bằng mục tiêu của đất nước là giảm lượng khí thải carbon - ít nhất là tạm thời, các nhà phân tích cho biết.
Nhà phân tích Thompson của Wood Mackenzie nói rằng một hành động cân bằng như vậy có thể gây “khó chịu” cho Trung Quốc. Giống như nhiều quốc gia, Trung Quốc đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 11, các nhà lãnh đạo toàn cầu và các nhà môi trường sẽ xác định các mục tiêu phát thải của từng quốc gia và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Việc tăng cường sử dụng than ở Trung Quốc là thực trạng diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông Tập cho biết nước này sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài, ông Thompson nói thêm.
Morgan Stanley cho biết, tăng cường cung cấp than không thể là giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu điện do nhu cầu giảm phát thải carbon trong dài hạn. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á phải tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, ngân hàng Phố Wall cho biết. “Do đó, chúng tôi dự đoán rằng đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục với tốc độ ổn định trong những năm tới,” ngân hàng cho biết trong một báo cáo.
“Sự xuất hiện gần đây của tình trạng thiếu hụt sẽ tạo thêm động lực cho các chính quyền địa phương đẩy nhanh kế hoạch của họ”.