Kiến nghị cho phép dùng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng
Trụ sở Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Phục vụ phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội ngày 25/4 tại Nha Trang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo bổ sung đánh giá kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018 và các tháng đầu năm 2019.
Đã xử lý được 896,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Theo báo cáo, trong 4 tháng đầu năm 2019, thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Đến ngày 17/4 tổng phương tiện thanh toán tăng 3,29% so với cuối năm 2018. Huy động vốn tăng 2,69%. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 3,23%, trong đó tín dụng bằng VND tăng 2,93%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 7,62%.
Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9-11%/năm với cho vay trung và dài hạn.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là tương đổi ổn định, thanh khoản thị trường tốt. Luỹ kế từ đầu năm đến 17/4/2019 Ngân hàng Nhà nước đã mua được 8,35 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thị trường vàng cũng được Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận là tiếp tục xu hướng tương đối ổn định của 2018, biến động của giá vàng trong nước không còn tác động bất lợi đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và nền kinh tế vĩ mô. Sức hấp dẫn của vàng miếng suy giảm, doanh số mua, bán trên thị trường đã giảm so với giai đoạn trước.
Về xử lý nợ xấu, theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 3%, đến cuối tháng 2/2019 là 2,09%.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 2/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 896,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, theo báo cáo.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã tiến hành các bước để tái cơ cấu, xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc và Ngân hàng Đông Á đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Nghiêm khắc hơn với tín dụng đen
Tại báo cáo, Ngân hàng Nhà nước nêu một số đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019 trong khi vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. Theo đó, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh thực hiện các dự án lớn như dự án đường cao tốc Bắc - Nam để tạo ra cú hích cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thoái vốn Nhà nước tại các tập đoàn, công ty lớn, nhằm tăng lượng hàng hoá trên thị trường, giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội đầu tư vào các hàng hoá có chất lượng, qua đó ổn định tâm lý nhà đầu tư, giảm thiểu tâm lý tiêu cực trên thị trường ngoại tệ.
Để xử lý các vướng mắc trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự, xử lý tội phạm hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn để hạn chế hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Để thực hiện tăng vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý các vướng mắc của nghị định số 32/2018 NĐ-CP, đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tham mưu Thủ tướng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi hoặc ban hành mới một nghị quyết của Quốc hội theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại (ngoại trừ các ngân hàng thương mại mua bắt buộc).
Bộ Tài chính cũng được đề nghị trình Chính phủ sửa đổi phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước quy định tại nghị định số 91/2015 ngày 13/10/2915 của Chính phủ, đã được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định số 32/2108 ngày 8/3/2018.
Đây cũng không phải lần đầu tiên kiến nghị sử dụng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước được đề cập. Trước đó, tại một số hội nghị, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng kiến nghị bố trí ngân sách để tăng vốn cho nhóm các ngân hàng thương mại lớn.