Kim ngạch thương mại Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 3
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 0,9%, theo dữ liệu được Tổng cục Hải quan công bố hôm 14/4. Con số này ghi nhận mức giảm đáng kể nhưng không giảm mạnh như dự kiến trước đó của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters. Theo dự kiến này, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của Trung Quốc có nguy cơ giảm 14% trong khi kim ngạch nhập khẩu được dự báo giảm 9,5%.
Như vậy, trong tháng 3, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 19,9 tỷ USD, cao hơn dự báo 18,55 tỷ USD của các nhà phân tích.
Có thể thấy, thương mại Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3 sau hai tháng đầu năm giảm mạnh vì đại dịch Covid-19 bùng phát làm tê liệt nền kinh tế trong nước. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái còn nhập khẩu giảm 4%. Lệnh phong tỏa nhiều tỉnh thành của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, người dân bị hạn chế di chuyển còn giao thông bị đình trệ, dẫn đến sản xuất gần như đóng băng và các lô hàng thương mại giảm mạnh.
Nhờ sự phục hồi trong tháng 3, khi Bắc Kinh dần gỡ bỏ lệnh phong tỏa với một số tỉnh thành, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã thu hẹp xuống 15,32 tỷ USD so với mức 25,37 tỷ USD trong hai tháng đầu năm, theo tính toán của Reuters.
Phát ngôn viên Tổng cục Hải Quan Trung Quốc Li Kuiwen tuyên bố trong cuộc họp báo công bố dữ liệu thương mại rằng: “Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát phần nào tại Trung Quốc trong những tuần gần đây, nhưng nó vẫn đang bùng phát nghiêm trọng tại những quốc gia còn lại trên thế giới. Tính đến hôm 14/4, các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới khoảng 2 triệu trường hợp”. Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, nhiều quốc gia đã tiến hành phong tỏa đất nước hoặc cách ly xã hội, một động thái có nguy cơ gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây áp lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới do cú sốc từ cả hai phía cung và cầu.
Ông Li Kuiwen cảnh báo những rào cản trong thương mại quốc tế khi nhu cầu của các thị trường nước ngoài giảm mạnh gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, dù cho nhu cầu nội địa đang dần phục hồi nhờ những gói hỗ trợ tài chính, gói kích thích kinh tế của chính phủ.
Chi Lo, chuyên gia kinh tế cấp cao từ Quỹ quản lý tài sản NP Paribas Asset Management nhận định: “Tham vọng phục hồi nền kinh tế theo mô hình chữ V của Trung Quốc đang bị thách thức do làn sóng dịch Covid-19 thứ hai trên toàn cầu làm suy yếu nhu cầu của thế giới với hàng xuất khẩu Trung Quốc, qua đó làm tổn thương ngành sản xuất Trung Quốc”.
Chỉ số quản lý thu mua PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 cũng cho thấy sự mở rộng so với tháng 2, thời điểm ngành sản xuất Trung Quốc gần như tê liệt vì dịch bệnh. Các nhà phân tích cảnh báo cán cân thương mại Trung Quốc sẽ tiếp tục đối diện với những lực cản trong những tháng tiếp theo do đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Nhà kinh tế Chi Lo cũng cảnh báo tình hình đại dịch kéo dài có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống 2-3% trong năm 2020.