Kinh doanh homestay mọc lên như “nấm sau mưa”
Phân khúc mới
Trong vài năm gần đây, homestay là loại hình kinh doanh được nhiều người quan tâm đặc biệt khi sở thích của khách du lịch là muốn có nhiều không gian nghỉ ngơi, thư giãn với thiên nhiên. Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có nhiều tiềm năng về du lịch, đặc biệt có nhiều chính sách ưu đãi về thủ tục, điều kiện về cấp thị thực cho khách quốc tế.
Mô hình homestay đơn giản gần gũi với thiên nhiên
Theo như số liệu thống kế từ Tổng cục Du lịch, 7 tháng đầu năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 9,8 triệu lượt khách, khách nội địa đạt 52,4 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 401.000 tỷ đồng, tăng 8,67% so với cùng kỳ năm 2018.
Tốc độ phát triển của ngành “công nghiệp không khói” đang kích thích các nhà đầu tư hứng thú nhiều hơn với các loại hình kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng.
Lượng khách du lịch lớn đang tạo nên một cuộc đua cho nguồn cung về lưu trú. Trong khi nguồn cung khách sạn truyền thống đang chững lại thì thị trường lại đón nhanh sự gia tăng nhanh chóng của mô hình homestay.
Theo CEO của Luxstay (người mới có màn gọi vốn kỷ lục 6 triệu USD tại Shark Tank mùa 3) cho rằng, số lượng chỗ ở tham gia thị trường tăng nhanh trong khoảng 2 năm qua. Theo báo cáo khảo sát thị trường của AirDNA thì đầu năm 2017, có khoảng gần 5.000 homestay tại TP Hồ Chí Minh, 3.000 tại Hà Nội thì đến thời điểm hiện tại con số đã tăng trưởng khoảng 18.000 và 11.000 ở riêng 2 thành phố lớn.
Theo CEO này, hình thức cho thuê nhà ngắn hạn đã lan tỏa mạnh trên khắp các tỉnh thành, dần trở thành hình thức kinh doanh phổ biến tại các thành phố và địa điểm du lịch. Một trong các tác động chính khiến số lượng tăng nhanh là nguồn cung từ thị trường bất động sản trên khắp cả nước với hàng loạt các dự án chung cư, biệt thự nghỉ dưỡng được xây dựng và bàn giao... Sản phẩm đa dạng tạo ra xu hướng lưu trú mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Cũng theo nghiên cứu của AirDNA, homestay hiện đang tăng với tốc độ 452% về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua. Lớn hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu 140% và cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.
Báo cáo của AirDNA chỉ rõ các khu vực thành phố có doanh thu lớn nhất về homestay hiện nay như: TP. HCM (41,6 triệu USD), Đà Nẵng (19 triệu USD), Hà Nội (13,3 triệu USD), Lâm Đồng (2,2 triệu USD). Bên cạnh đó, những khu du lịch nổi tiếng khác cũ có lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Còn theo thống kê của AirBnB – ứng dụng kết nối người cho thuê và người có nhu cầu thuê phòng, tính đến tháng 6/2018 tại TP. HCM có 25.000 căn hộ kinh doanh theo hình thức homestay. Cùng khoảng thời gian này vào năm 2015, TP mới chỉ cso khoảng 2.000 căn hộ kinh doanh theo hình thức này.
Lợi thế của homestay là mang lại cho khách du lịch cảm giác gần gũi với cuộc sống thiên nhiên và văn hóa như người bản địa và đặc biệt chi phí khi bỏ ra lại rẻ hơn so với khách sạn. Mô hình homestay cũng được sáng tạo dưới nhiều dạng với nhiều vật liệu rẻ tiền, vật liệu tái chế. Homestay container, nhà ống, mái lá, nhà gỗ,… xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa điểm du lịch.
Homestay container, nhà ống, mái lá, nhà gỗ,… xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa điểm du lịch.
Nếu như trước đây, khách du lịch chỉ biết đến các hình thức lưu trú chuyện nghiệp với các hệ thống khách sạn thì hiện nay họ còn được trải nghiệm nhiều hơn với các cơ sở lưu trú địa phương. Chính điều này giúp mô hình homestay được nhiều người ưa chuộng. Đây là phân khúc mới giúp cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đa dạng hơn.
"Miếng bánh ngon" của các ứng dụng đặt phòng
Để có thể tạo nên mạng lưới kết nối nhu cầu cung – cầu phòng nghỉ, các chủ homestay thường kết hợp thêm với hình thức đăng tải thông tin cho thuê trên Facebook, các trang bán phòng trung gian như Agoda, Booking, Travelloka, AirBnB,… Các ứng dụng này sẽ tính phí đổi với các chủ căn hộ khi có giao dịch đặt phòng. Ví dụ như AirBnB thu khoản phí đối với chủ nhà ở mức 3% tổng giá trị đặt phòng, phí thu khách đặt phòng ở mức là 6-12% và mức phí này sẽ hiển thị luôn trong quá trình khách sử dụng dịch vụ.
Các ứng dụng đặt phòng ngày càng phổ biến
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thu hút khách đặt phòng đối với các ứng dụng này cũng rất cạnh tranh nhau. Chẳng hạn như Booking, khi khách đặt phòng qua ứng dụng với số lượng từ 5 lần, họ sẽ được hưởng chương trình ưu đãi gọi là Thành viên Genius, đó là mức chiết khẩu 10% giá phòng cho mỗi lần đặt tiếp theo và nhiều ưu đãi khác như các ưu tiên check-in, check-out, đồ uống chào mừng khi đến nơi nghỉ.
Theo ông Trương Văn Quý, Giám đốc điều hành EQVN, khi công nghệ ngày càng gần gũi với người dùng thì xu hướng chuyển dịch sử dụng những dịch vụ như trên ngày càng thiết thực. Tương lai, đây sẽ là miếng bánh ngon cho các doanh nghiệp biết nắm bắt xu hướng.
Có thể nói, nhu cầu lưu trú tại các khu du lịch ngày càng lớn, sự ra đời và lớn mạnh của ngày càng nhiều các ứng dụng công nghệ đang tạo nên một đòn bẩy cho mô hình homestay nở rộ. Tuy rằng, homestay chưa có những cơ sở vật chất hiện đại và đầy đủ như các khách sạn truyền thống khách nhưng hình thức này có điểm mạnh là đi sâu vào trải nghiệm của khách hàng. Loại hình này trong tương lai có thể sẽ trở thành mối đe dọa đối với mô hình khách sạn truyền thống.