Kinh tế trưởng ADB tiết lộ lý do "cần một cơ chế bảo lãnh tín dụng đặc biệt"

22/09/2021 21:21 GMT+7
Kinh tế trưởng ADB ông Nguyễn Minh Cường cho biết, một cơ chế bảo lãnh tín dụng đặc biệt thời điểm này rất quan trọng. Hiện rất nhiều nguồn vốn bên ngoài sẵn sàng vào Việt Nam để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng xanh nhưng cơ chế của Việt Nam hiện giờ lại đóng. Đây là điều rất đáng tiếc.

Tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại ở mức 10% –11%

Báo cáo triển vọng phát triển Châu Á cập nhật 2021 vừa phát hành, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB ông Nguyễn Minh Cường cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, với lãi suất chính sách không thay đổi kể từ tháng 10 năm 2020.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại mở rộng tái cơ cấu nợ, miễn lãi suất cho các khoản vay hiện có, giảm lãi suất và cung cấp các khoản vay ưu đãi mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Điều này đã thúc đẩy tín dụng, ước tính tăng trưởng tín dụng trong tháng 8 là 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 7,9% của năm trước đó.

Kinh tế trưởng ADB tiết lộ lý do "cần một cơ chế bảo lãnh tín dụng đặc biệt"  - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 10% –11% trong năm nay, thấp hơn chỉ tiêu 12% đề ra hồi đầu năm.

Mặc dù vậy, nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn giảm trong năm 2021 do đại dịch làm gián đoạn sản xuất và kinh doanh. Ông Cường dự báo, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 10% –11% trong năm nay, thấp hơn chỉ tiêu 12% đề ra hồi đầu năm.

Một cơ chế bảo lãnh tín dụng đặc biệt thời điểm này rất quan trọng

Thực tế, nền kinh tế của Việt Nam đang dựa quá nhiều vào hệ thống ngân hàng kể cả từ trước, trong và thậm chí là sau Covid-19, hơn 60% tín dụng của nền kinh tế là từ hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp có khả năng sản xuất nhưng không có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng song cũng không thể ép ngân hàng cho vay bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp không thể hạ tiêu chuẩn tín dụng.

"Gần như các ngân hàng đã làm hết sức mình từ việc hạ lãi suất, giảm chi phí vốn,… theo dự kiến với hỗ trợ như thế lợi nhuận ngân hàng giảm 1 tỷ USD trong năm 2021. Nhìn chung mà nói, các chính sách tiền tệ và bản thân các ngân hàng đã "gồng" lên rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng trọng bối cảnh chưa có tiền lệ như hiện nay, vẫn chưa thấy có giải pháp nào thực sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp", ông Cường nhấn mạnh.

"Câu hỏi đặt ra là ngoài ngân hàng còn có nguồn vốn nào khác? Và đã được huy động hết chưa? Chúng ta cần có lời giải đáp để giải tỏa sức ép cho hệ thống ngân hàng", Kinh tế trưởng ADB đặt vấn đề.

Kinh tế trưởng ADB tiết lộ lý do "cần một cơ chế bảo lãnh tín dụng đặc biệt"  - Ảnh 2.

Kinh tế trưởng ADB ông Nguyễn Minh Cường. (Ảnh: ADB)

Từ thực tế kể trên, ông Cường cho rằng, một cơ chế bảo lãnh tín dụng đặc biệt thời điểm này lại rất quan trọng. Hiện rất nhiều nguồn vốn bên ngoài sẵn sàng vào Việt Nam để hỗ trợ cho tăng trưởng xanh, cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng cơ chế của Việt Nam hiện giờ lại đóng. Đây là điều rất đáng tiếc - theo ông Cường.

"Nếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng, đến một thời điểm nào đó hệ thống này sẽ bị quá tải. Vậy, tại sao những cơ chế mới lại không có, cần làm gì để có những cơ chế mới trong bối cảnh đặc thù hiện nay", ông Cường đặt câu hỏi.

Kinh tế trưởng ADB tiết lộ lý do "cần một cơ chế bảo lãnh tín dụng đặc biệt"  - Ảnh 3.

ác ngân hàng thận trọng khi cho vay bởi cho vay phải đảm bảo khả năng trả nợ của các doanh nghiệp. (Ảnh: baodautu)

Đồng quan điểm, Giám đốc ADB Việt Nam Andrew Jeffries bổ sung thêm, khi nền kinh tế bị chậm lại chúng ta cần thêm vốn, cần thêm tín dụng. Nhưng quan ngại lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là nợ xấu.

"Các ngân hàng thận trọng khi cho vay bởi cho vay phải đảm bảo khả năng trả nợ của các doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang gặp khó vì Covid-19, cơ hội đảm bảo khả năng trả nợ của các doanh nghiệp khó khăn hơn. Đó là vấn đề "con gà quả trứng", chúng ta muốn cho vay nhưng lại khó cho vay với những điều kiện như vậy", ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.

Để giải bài toán này, theo Giám đốc ADB, bảo lãnh tín dụng cần được phát huy.

"Chính phủ bảo lãnh một số hoạt động cho vay hay chương trình tín dụng nào đó để cho phép ngân hàng cho một số doanh nghiệp đạt yêu cầu vay, hay hiểu một cách khác, Chính phủ có thể thực hiện đảm bảo rủi ro cho những đối tượng này. Điều này hơi khó thực hiện nhưng cho phép chúng ta tăng luồng tín dụng nếu không sẽ khó đẩy mạnh được cho vay với những lo lắng trong ngắn hạn", ông Andrew đề nghị.

H.Anh
Cùng chuyên mục