Là nhà tài trợ chính, vì sao Toyota hủy mọi quảng cáo truyền hình về Olympic Tokyo?

19/07/2021 17:54 GMT+7
Là nhà tài trợ cao cấp nhất của Olympic Tokyo nhưng Toyota Motor sẽ không phát sóng bất kỳ quảng cáo truyền hình nào liên quan đến sự kiện này.

Hôm 19/7, các quan chức Toyota xác nhận sẽ không phát sóng bất kỳ quảng cáo truyền hình nào liên quan đến Olympic Tokyo sắp khai mạc vào cuối tuần này trong bối cảnh các ca nhiễm mới Covid-19 liên tục tăng lên ở Tokyo. Các quan chức Toyota, bao gồm Chủ tịch Akio Toyoda, cũng không tham dự lễ khai mạc Thế vận hội và bất kỳ sự kiện nào khác trong khuôn khổ giải đấu.

Trước đó, Toyota đã lên kế hoạch chạy quảng cáo truyền hình về các vận động viên Olympic Tokyo, sự kiện mà tập đoàn này là nhà tài trợ chính. Tuy nhiên, kế hoạch sau đó đã bị hủy bỏ do nhiều mối quan ngại về sự an toàn của Thế vận hội khi các ca nhiễm Covid-19 không ngừng tăng lên.

Là nhà tài trợ chính, vì sao Toyota hủy mọi quảng cáo truyền hình về Olympic Tokyo? - Ảnh 1.

Toyota Motor hủy mọi quảng cáo truyền hình về Olympic Tokyo trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Masa Takaya, người phát ngôn của Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 cho biết mỗi nhà tài trợ sẽ quyết định chiến lược quảng cáo của riêng mình, nhưng cũng thừa nhận luồng dư luận trái chiều của công chúng Nhật Bản về sự kiện thể thao quy mô lớn này. "Những đối tác và nhà tài trợ chắc hẳn đã phải vật lộn để tiếp tục hỗ trợ Olympic Tokyo 2020 sau một năm bị trì hoãn”, ông này cho hay.

Dù không phát sóng các quảng cáo truyền hình, Toyota vẫn sẽ tài trợ 3.340 xe, bao gồm cả xe điện và xe chạy bằng pin nhiên liệu để phục vụ công tác đưa đón vận động viên và nhân viên - gần bằng số lượng cam kết trong kế hoạch ban đầu. Hãng ô tô Nhật Bản cũng sẽ tài trợ robot để sử dụng tại các địa điểm khác nhau. Ngoài ra, công tác tuyên truyền quảng bá vận động viên trên trang web riêng của Toyota vẫn được tiến hành như dự kiến.

Nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản đã bắt đầu bày tỏ lo ngại về phản ứng của công chúng đối với Thế vận hội vào đầu tháng 5, khi các vận động viên Nhật Bản phải đối mặt với lời kêu gọi hủy bỏ Olympic của công chúng trên mạng xã hội.

Ban đầu, kỳ Thế Vận hội Tokyo dự kiến sẽ thu hút khoảng 10 triệu khán giả. Nhưng hồi tháng 3 vừa qua, chính phủ và các nhà tổ chức đã quyết định cấm du khách nước ngoài nhập cảnh trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, thời điểm đó, giới chức Tokyo vẫn kỳ vọng thu hút lượng lớn người hâm mộ trong nước, cho đến khi làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo bùng phát và kéo dài cho đến nay buộc chính phủ ban hành sắc lệnh khẩn cấp với Tokyo và hàng loạt khu vực khác. 

Các nhà chức trách Nhật Bản sau đó quyết định vẫn tổ chức Thế vận hội vào tháng 7/2021 nhưng kèm theo các quy tắc hạn chế kiểm dịch chặt chẽ và hầu như không có khán giả.

Nhật báo Asahi Shimbun, một trong những đối tác chính thức của Thế vận hội Tokyo hồi cuối tháng 5 cũng từng có bài xã luận kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội mùa hè sắp diễn ra do quan ngại rủi ro y tế công cộng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, trong vài ngày qua, Ban Tổ chức Olympic Tokyo cho biết đã phát hiện 3 ca dương tính Covid-19 tại làng vận động viên ở Tokyo, làm dấy lên mối quan ngại về một Thế vận hội “an toàn” như những gì các nhà chức trách Nhật Bản hứa hẹn. Làng vận động viên là địa điểm lưu trú của đa số trong số 11.000 vận động viên tham gia Thế vận hội năm nay. Thế vận hội Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến 8/8.


NTTD
Cùng chuyên mục