Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất tháng 9?
Trên thị trường, lãi suất huy động cao nhất đang là 8,95%/năm tại SHB áp dụng cho khoản tiền gửi tiết kiệm 13 tháng, kèm điều kiện giá trị không thấp hơn 500 tỷ đồng. Tại ngân hàng này, lãi suất 12 tháng và 6 tháng với điều kiện tương tự lần lượt là 8,6% và 7,5%/năm, giữ nguyên so với cuối tháng 8. Với khoản gửi dưới 500 tỷ đồng cùng kỳ hạn, lãi suất thấp hơn 1,6-2,35 điểm phần trăm. Theo tìm hiểu của PV, lãi suất cao nhất 13 tháng đang được ngân hàng làm cơ sở để tính lãi suất cho vay.
Theo sau SHB, Viet Capital Bank công bố lãi suất 8,5%/năm, ABBank 8,3%/năm với cùng điều kiện trên. Eximbank cũng nâng điều kiện để hưởng lãi suất đặc biệt từ trên 100 tỷ đồng lên trên 500 tỷ đồng. Nếu đạt tiêu chuẩn về giá trị tiền gửi, khách hàng mở mới tài khoản hoặc tái tục sẽ được hưởng lãi suất 8,4%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng và 7,2% với kỳ hạn 12 tháng.
Với khoản tiền gửi thông thường không có điều kiện đặc biệt, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến là 6-7,7%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) có mức lãi suất thấp nhất hệ thống. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên là 6%, kỳ hạn 6-9 tháng là 4,4-4,5% và 3-5 tháng là 3,5-3,8%/năm và không kỳ hạn là 0,1%/năm.
Trái với các ngân hàng lớn, các nhà băng quy mô nhỏ giữ mặt bằng lãi suất huy động ở mức cao nhằm thu hút tiền gửi. NCB đang duy trì lãi suất bình quân tại các kỳ hạn cao nhất trong hệ thống với kỳ hạn 1-3 tháng là 4,15%/năm, trong khi 6-9 tháng là 7-7,3%, với tiền gửi trên 12 tháng lãi suất từ 7,3 đến 7,7%/năm. SCB, BacABank cũng là nhà băng duy trì mặt bằng lãi suất cao.
Lãi suất chững lại
Techcombank vừa công bố biểu lãi suất mới từ 15/9, giảm 20 điểm cơ bản ở kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng xuống 2,7%/năm và 4,2%/năm và giữ nguyên tại tất cả kỳ hạn còn lại.
Tại các nhà băng khác, lãi suất gần như giữ nguyên so với thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9, phổ biến ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2-6%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5-6,7%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Từ đầu năm, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 50-210 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn. Sau khi hạ nhanh từ tháng 5 đến cuối tháng 8 (80 điểm cơ bản), lãi suất đang chững lại và đi ngang ở vùng thấp.
Cùng với diễn biến giảm của lãi suất, tiền gửi dân cư và tổ chức kinh tế cũng tăng chậm lại. Riêng tháng 7, lượng tiền gửi của 2 đối tượng trên lần lượt thêm 4.870 tỷ đồng và 4.500 tỷ đồng - thấp hơn nhiều so với 2 tháng trước.
Tính đến 26/8, tín dụng mới tăng trưởng 4,23% so với cuối năm 2019 trong khi tăng trưởng tiền gửi vẫn rất tốt dù lãi suất đã giảm sâu. Chênh lệch huy động - tín dụng nới rộng khiến tiền đồng đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) tại cuối tháng 7 là 11,16 triệu tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2019, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 7-8% của cùng kỳ 3 năm trước đó.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục được duy trì, thanh khoản các NHTM sẽ vẫn dồi dào. Lãi suất trên liên ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp, lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp từ 10-30 điểm cơ bản trong thời gian tới.