Lại xuất hiện "siêu" doanh nghiệp vốn chủ 128.000 tỷ đồng

17/08/2021 16:22 GMT+7
Mới chỉ thành lập được 2 năm nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu đã có vốn điều lệ tới 5,5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng).

Theo tìm hiểu, CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu được thành lập ngày 9/11/2018 có địa chỉ tại 143 Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Công ty có vốn điều là 128.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Bùi Văn Việt 18%, Phạm Thị Thành 36%, Đào Xuân Hậu 18%, Đỗ Công Đảng 18%, Trần Đức Thùy 10%.

Bên cạnh đó, có xuất hiện của cổ đông nước ngoài, David Aristotle Phan (quốc tịch Mỹ) với tỷ lệ sở hữu 40%, tương đương 52,8 tỷ đồng.

Ông Bùi Việt Hà (SN 1953, thường trú tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) giữ chức vụ Giám đốc công ty. Trong khi đó cổ đông lớn nhất là bà Phạm Thị Thành giữ chức kế toán trưởng. Bà Thành sinh năm 1955, thường trú phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này khi mới thành lập là bán lẻ hàng hóa khác mới trong các cửa hàng chuyên doanh (chi tiết: bán lẻ vàng, bạc, đá quý và đá bán quý; bán lẻ đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý và đá bán quý; bán lẻ nước rửa trang sức).

Diễn biến bất ngờ của công ty xảy ra vào tháng 6/2019. Tại thời điểm này, công ty đổi ngành nghề chính sang “Xây dựng nhà không để ở” (chi tiết: dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe)

Liền ngay sau đó, công ty tiếp tục công bố thông tin mới, tăng vốn điều lệ lên 127.902,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn nước ngoài chiếm 51.161 tỷ đồng, vốn trong nước là 76.741 tỷ đồng. Cổ đông nước ngoài là David Aristotle Phan vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 40%.

Tính đến hết năm 2020, vốn chủ sở hữu của Toàn Cầu lọt top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, sau Vingroup (135.853 tỷ đồng), Samsung Electronics Việt Nam (229.498 tỷ đồng), EVN (240.236 tỷ đồng) và Samsung Electronics Thái Nguyên (274.193 tỷ đồng).

Vốn chủ của Toàn Cầu cũng vượt Vietnam Beverage, công ty được lập ra nhằm phục vụ cho thương vụ ThaiBev mua lại cổ phần Sabeco trị giá gần 5 tỷ USD; trên Vietcombank (98.859 tỷ đồng), Formosa Hà Tĩnh (93.408 tỷ đồng), Vinhomes (89.685 tỷ đồng)...

Điều bất ngờ ở chỗ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu gần như không có hoạt động gì nổi bật trong thời gian qua. Thị trường hầu như chưa biết đến sự tồn tại của doanh nghiệp này.

Được biết giai đoạn vừa qua, Việt Nam liên tiếp ghi nhận sự xuất hiện của những “siêu doanh nghiệp” có vốn điều lệ rất lớn. Gần nhất là 2 công ty có tên Tập đoàn Đầu tư Công nghệ tự động Toàn Cầu và Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu đăng ký vốn thành lập lần lượt 500.000 tỷ đồng và 25.000 tỷ đồng, dù chưa chứng minh được vốn góp.

Xa hơn một chút về đầu năm 2020 là một doanh nghiệp đăng ký thành lập với vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng, nhưng sau đó các cổ đông sáng lập thừa nhận chỉ là do ghi nhầm.


PV
Cùng chuyên mục