GS. TS Hoàng Văn Cường: Ưu tiên giải quyết nhu cầu có chỗ ở hơn là sở hữu nhà

16/03/2024 19:00 GMT+7
GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị xác định đúng hơn mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, giải quyết nhu cầu về chỗ ở hay nhu cầu sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp.

Tại hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện nay cầu về thị trường nhà ở căn hộ rất sôi động. Nếu chúng ta phát triển được nhà ở xã hội trong giai đoạn này thì có tác động rất lớn, lan tỏa đến sự bình ổn, cân bằng thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đề nghị cần xác định đúng hơn mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. 

"Chúng ta giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho những người có thu nhập thấp hay chúng ta giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp. Tôi cảm nhận rằng trong thời gian vừa qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội đang hướng giải quyết nhu cầu về nhà ở thu nhập thấp nhiều hơn là hỗ trợ giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở cho người thu nhập thấp", ông Cường nhận định.

GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng với người thu nhập thấp, việc trang trải cuộc sống cũng đã khó khăn thì làm sao có tiền tiết kiệm, tích lũy để trả tiền lãi, trả tiền vốn vay. 

"Tôi có nghe được phát biểu của một đại diện doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội nói rằng sau một thời gian kiểm lại thì đến 80% số người mua không còn ở đấy nữa và người ta bán lại. Vậy rõ ràng trong điều kiện người ta có thu nhập thấp thì trước tiên họ phải tìm cách lo cuộc sống. Chính vì vậy tôi đề nghị là chúng ta quan tâm nhiều hơn đến chương trình phát triển nhà ở xã hội cho thuê với những điều kiện ưu đãi khác biệt hơn so với các chương trình hiện nay", GS Cường nhấn mạnh.

GS. TS Hoàng Văn Cường: Ưu tiên giải quyết nhu cầu có chỗ ở hơn là sở hữu nhà- Ảnh 1.

GS. TS Hoàng Văn Cường phát biểu tại hội thảo tháo gỡ khó khăn, phát triển nhà ở xã hội (Ảnh: CTTCP)

Liên quan đến vị trí phát triển nhà ở xã hội, GS. TS Hoàng Văn Cường đề nghị chúng ta phải có một chương trình, quy hoạch những vị trí ở gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê. Chỉ cho thuê chứ không bán, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp về chỗ ở.

"Đối với loại nhà này, đề nghị sử dụng nguồn vốn vay thật ưu đãi. Tôi nghĩ chương trình này nên dành 50% cho thuê và 50% cho mua. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần tăng nguồn cung nhà ở xã hội do vậy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung. Tuy nhiên, tôi đề nghị đơn giản hóa tối đa điều kiện cho vay đối với nhóm này. Việc hỗ trợ lãi suất thấp hơn 1,5-2% tôi cho rằng không có nhiều ý nghĩa mà phải cam kết mức lãi suất cụ thể là bao nhiều, ví dụ cam kết lãi suất cho vay 7-8% để doanh nghiệp chủ động", GS. TS Hoàng Văn Cường kiến nghị.

Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia cho rằng nên có quan điểm rõ ràng, nhà nước có trách nhiệm lo chỗ ở cho người dân chứ Nhà nước không có trách nhiệm lo sở hữu nhà ở cho mọi người.

"Chính vì vậy, chúng ta phải có quỹ nhà ở cho thuê. Ai làm cái này? Đó là 2 đối tượng lớn, một là Nhà nước và thứ 2 là các doanh nghiệp. Như TP. HCM hiện nay, người có thu nhập 11 triệu đồng/tháng thì làm sao mua nhà. Chúng ta chọn đối tượng không phù hợp, sẽ tắc ngay, đây là vấn đề phải rà lại", ông Lịch nhận định.

TS Trần Du Lịch còn cho rằng vấn đề hiện nay là nghẽn cả cung và cả cầu chứ không phải một bên. Về phần cung, nếu nơi nào có sẵn quỹ đất đưa cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội thì rất thuận lợi. Bởi được hưởng nhóm chính sách thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, vay ưu đãi sử dụng 20% quỹ để làm nhà ở thương mại và đặc biệt là tỷ lệ hệ số đất lên 1,5 lần. 

"Điểm thứ hai là liên quan đến phần cầu hiện nay qua thực tế tôi thấy, doanh nghiệp có sản phẩm nhà đi tìm đối tượng mua, phải xác định đúng đối tượng, có chứng nhận chưa có chỗ ở, chứng nhận là thu nhập tối thiểu 11 triệu trở xuống, có cư trú tại địa phương… Nhiều nơi triển khai thủ tục này tốt nhiều thời gian, doanh nghiệp sợ nhất bán sai đối tượng", TS Lịch kiến nghị.

TS Trần Du Lịch cũng đề nghị muốn làm nhà ở xã hội thì Nhà nước phải hỗ trợ nguồn lực chứ không thể Nhà nước chỉ ban hành chính sách rồi giao cho thị trường tự làm. Các chính sách phải có cơ chế hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước với một tỉ lệ phù hợp, ví dụ bù lãi suất.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục