Lạm phát tăng phi mã trên toàn cầu, gây khủng hoảng chi phí sinh hoạt
Việc giá cả nhiều mặt hàng tăng cao không chỉ gây áp lực tài chính lên các chính phủ, doanh nghiệp mà nhiều hộ gia đình cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Ở vùng nông thôn của Hy Lạp, máy kéo đã trở thành biểu tượng của sự lo lắng. Theo những người nông dân, sự tăng vọt của giá xăng dầu, điện nước đã ảnh hưởng đến những vườn nho, vườn đào của họ. Họ phải tốn nhiều tiền xăng hơn cho máy móc nông nghiệp, tiền điện cho cho máy bơm tưới tiêu và chi phí cho thuốc diệt cỏ dại.
Theo thống kê, tại Hy Lạp, lạm phát đang ở mức cao nhất trong 25 năm và mức tăng giá của nhiều mặt hàng thực phẩm cơ bản ở mức hai con số: Rau củ tăng hơn 14% so với một năm trước, dầu ô liu tăng hơn 15% và một số loại thịt cao hơn 17%. Tại một cửa hàng tạp hóa trong khu phố ở quận Petralona ở trung tâm Athens, những người mua sắm đang chọn một vài món hàng cho biết, họ phải mang theo tờ 20 EUR thay vì tờ 10 EUR như năm ngoái.
“Bạn phải cắt giảm một số thứ để có thể quản lý việc mua sắm hàng tháng tại cửa hàng tạp hóa và chợ nông sản. Tôi nhớ so với hai năm trước, giá cả đã tăng lên rất nhiều” - Antonia Kalantzi, một người dân Hy Lạp chia sẻ.
Tương tự như Hy Lạp, nhiều hộ gia đình ở Anh đang cắt giảm các nhu cầu thiết yếu như các loại phí dịch vụ cho tivi, điện thoại và internet để giảm áp lực tài chính cho gia đình khi đối mặt chi phí hóa đơn tăng cao do lạm phát tăng mạnh trong những tháng vừa qua. Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tại Anh trong tháng 1 vừa qua đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/1992, thời điểm chỉ số này đạt mức 7,1%.
Mức lạm phát cao kỷ lục cũng được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới, như tại Argentina, chỉ số giá tiêu dùng tại nước này đã tăng 50,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Mỹ, giá tiêu dùng đã tăng 7% trong năm 2021, tốc độ tăng nhanh nhất trong 4 thập kỷ qua. Lạm phát của New Zealand trong năm 2021 đã tăng 5,9%, lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ.
Giá tiêu dùng đã tăng vọt trên toàn cầu trong thời gian qua phần lớn là do giá năng lượng tăng mạnh. Ngoài ra, người tiêu dùng đang phải đối mặt với việc thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn trong bối cảnh các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi các lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ.
Một người dân tại Praha, Séc cho biết: "Giá cả mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt. Nhiều mặt hàng so với năm ngoái tăng tới 10%, thậm chí có một số mặt hàng tăng tới 20%. Điều này khiến chúng tôi phải rất cẩn thận khi lên danh sách cho chi tiêu hàng ngày”.
Để đối phó với lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương của Anh, Mỹ, Nga… đã tăng lãi suất. Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã kêu gọi các ngân hàng Trung ương cân nhắc rút dần các biện pháp kích thích kinh tế trước khi quá muộn để ngăn lạm phát phi mã. Tuy nhiên, để lạm phát có thể hạ nhiệt thì cần có thời gian đủ lâu khi các chính sách phát huy hiệu quả/.