Làm thế nào để nhà ở bình dân "xanh" mà không đắt?
Nhiều tiềm năng
Tham dự Hội thảo Hội thảo "Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích", ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: Nhà ở đại chúng, nhà ở bình dân hay nhà ở giá rẻ là phân khúc được nhắc đến nhiều trong khoảng 3 năm trở lại đây, bởi nhu cầu ở thực của khách hàng luôn chiếm trên 80%.
Theo khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20 - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về Nhà ở xã hội, nhà ở bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.
Hội thảo Hội thảo "Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Capital House tổ chức.
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, triển vọng thị trường nhà giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tốt.
Trong thời gian qua, nhận biết được những diễn biến của thị trường, khá nhiều đơn vị phát triển bất động sản đã chủ động thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách đầu tư sang loại hình căn hộ bình dân. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường cũng như những người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, ông Chiến khẳng định, nhà ở giá thấp và trung bình là phân khúc lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng tại nước ta nhưng chưa được quan tâm đúng ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong khi đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Triển khai các giải pháp xanh tại các công trình nhà ở giá thấp và trung bình sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bềm vững, bảo vệ môi trường.
Các công trình xanh giá cao?
Chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đang phát triển, ông Vũ Văn Phong, chuyên gia công trình xanh của IFC cho rằng, trên thế giới, có những công trình đắt mà không xanh và cũng có các công trình xanh không đắt.
“Sự khác biệt nằm ở tiếp cận và tận dụng tối đa các lợi ích mang lại. Nếu định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng kèm khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, công trình hoàn toàn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng, giúp đạt chứng nhận công trình xanh EDGE mà không làm gia tăng chi phí, hoặc chỉ tăng ở mức 1-2%”, ông Phong chia sẻ.
Ngoài ra ông Phong cũng nhận định, Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng những giải pháp trên thế giới mà không hề tốn nhiều chi phí. Với các quốc gia đang phát triển tỷ lệ xây dựng rất nhanh thì áp dụng chứng nhận EDGF là rất phù hợp, để khắc phục toàn bộ những yếu tố yếu kém của thị trường, đặc biệt là tiến độ bán dự án của thị trường bất động sản thì chứng nhận này ứng dụng rộng rãi, phù hợp với tiến độ phát triển.
Dự án nhà ở xã hội EcoHome 3 được ví như điểm sáng trên thị trường nhà giá thấp năm 2019.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai, chi phí, lợi ích từ việc Xanh hóa nhà ở xã hội EcoHome 3, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House cho biết, khi tiếp cận công trình xanh, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn.
“Nhắc đến xanh mọi người đều nghĩ rất đắt hoặc nhiều cây xanh. Do đó, khi mới bắt đầu tiếp cận, chúng tôi cũng gặp nhiều rào cản về suy nghĩ của mọi người. Đôi khi chúng ta chỉ nghĩ về CTX với những giải pháp cao cấp, công nghệ, nguyên vật liệu đắt đỏ… mà quên mất việc áp dụng những giải pháp thiết kế thụ động, những ứng dụng thiết kế thông minh”, ông Bách nói.
Cũng theo ông Bách, trong quá trình học hỏi áp dụng thực tế đã có nhiều thách thức. Thứ nhất, là chi phí phụ trội cho áp dụng các tiêu chí xanh, thứ hai là chi phí phụ trội và hiệu quả kinh tế, thứ ba là không có hướng dẫn từ cơ quan nhà nước, thứ tư là quy trình thủ tục phức tạp, tốn kém và thứ năm là nhiều bộ tiêu chí chưa thống nhất áp dụng. Trên thị trường hiện nay, phổ biến 2 chứng chỉ LEED và EDGE.
Thứ hai là thách thức từ người mua căn hộ. Bạn bè đồng trang lứa với tôi, khi tiêu chí chọn mua căn hộ của họ cũng hoàn toàn không có yếu tố xanh. Họ chủ quan tâm vị trí đẹp hay không, giao thông thế nào nhưng không quan tâm chủ đầu tư dùng đèn gì, nước tiết kiệm ra sao…
“Nhận thức từ công trình xanh còn hạn chế, lợi ích không rõ ràng, thị trường có quá nhiều dự án gắn mác CTX không rõ ràng. Nhiều nhân viên của chúng tôi bản thân làm trong ngành xây dựng nhưng hỏi về yếu tố xanh cũng rất “lơ mơ”. Thị trường quá nhiều công trình gắn mác GREEN nhưng không rõ ràng như thế nào nên người dùng cũng gặp khó”, ông Bách phân tích thêm.