LILAMA 69-1 (L61): Các ngân hàng siết nợ ráo riết, có thể dừng hoạt động bất cứ lúc nào
Năm 2022, L61 chỉ ký được 1 hợp đồng mới
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa được công bố, Công ty Cổ phần LILAMA 69-1(HNX: L61) năm 2022, L61 ghi nhận doanh thu đạt gần 412 tỷ đồng, lỗ sau thuế 74 tỷ đồng. Năm 2022, L61 lên kế hoạch lãi 3 tỷ đồng, như vậy Công ty không hoàn thành kế hoạch năm.
Lãnh đạo L61 cho biết, năm qua, do gặp khó khăn về tài chính, việc sản xuất kinh doanh kém hiệu quả tại một số dự án khiến nguồn lực Công ty suy giảm nghiêm trọng, thiếu hụt dòng tiền… để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Việc chi trả nợ từ tháng 5/2022 tại các tổ chức tín dụng từ đó bị ảnh hưởng, phát sinh thành nợ quá hạn, đến nay đã chuyển thành nợ nhóm 5. Kể từ đó, Công ty không thể vay vốn được các ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Năm 2022, Công ty chỉ ký được có 01 hợp đồng thi công xây lắp mới đó là dự án nhiệt điện Đốt rác Thăng Long tại huyện Quế Võ - Tỉnh Bắc Ninh, với giá trị hợp đồng hơn 40 tỷ đồng và một số hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng với với các khách hàng truyền thống như Nhiệt điện Cẩm Phả, Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhiệt điện Na Dương với tổng giá trị khoảng 45 tỷ đồng.
Trong năm qua, có một số dự án Tổng công ty Lắp máy Việt Nam phải đứng ra chi trả trực tiếp lương cho người lao động, các đơn vị thầu phụ; chi phí cho nhà cung cấp để duy trì công việc như dự án Nhiệt điện Vân Phong 1, Nhiệt điện Thái Bình 2, Hóa dầu Long Sơn.
Việc thu hồi công nợ gặp nhiều khó khăn do một số chủ đầu tư/khách hàng chưa có khả năng trả nợ. Tổng số nợ phải thu khách hàng đến 31/12/2022 là 165,5 tỷ đồng. Trong đó, nợ đủ điều kiện thu là 52 tỷ đồng, nợ phải thu chưa đủ điều kiện thu và nợ phải thu khó đòi là 113 tỷ đồng.
Các ngân hàng đã tiến hành khởi kiện L61, nguy cơ phá sản hiện hữu
Công ty cho biết, hiện tại, các ngân hàng đã tiến hành khởi kiện Công ty ra toàn án và yêu cầu xử lí tài sản đảm bảo và toàn bộ tài sản hợp pháp khác để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Do đó, việc duy trì hoạt động sản xuất gặp khó khăn, phải đối mặt với khả năng dừng hoạt động sản xuất kinh doanh bất cứ lúc nào. Bởi Công ty không thể ký được các hợp đồng khi tài khoản tại các Ngân hàng; Cơ quan thuế đang làm các bước tiến hành cưỡng chế thuế bằng biện pháp cưỡng chế hóa đơn GTGT; Tại các dự án Công ty đang thi công do không đáp ứng được yêu cầu của đối tác dẫn tới uy tín của Công ty đang sụt giảm nghiêm trọng gây khó khăn trong việc tìm kiếm, tiếp cận nguồn công việc...
Việc thoái vốn của Tổng công ty mặc dù đã được triển khai quyết liệt nhưng do nhiều lý do khách quan nên đến thời điểm hiện tại Công ty vẫn chưa hoàn thành việc thoái vốn của Tổng công ty theo kế hoạch đề ra là giảm tỷ lệ nắm giữ từ 41,1% xuống còn 36% vốn điều lệ. Xu hướng các nhà đầu tư muốn mua lại toàn bộ phần vốn của Tổng công ty tại LILAMA 69-1.
Trong công tác thu hồi các khoản nợ đọng tại các dự án: Soda-Chu Lai, Xi măng Hạ Long, Thủy điện Nậm La... không được thực hiện đúng thời hạn. Trong đó có các khoản nợ trở thành nợ khó đòi, dẫn đến đã và sẽ phải trích lập dự phòng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty. Công ty mất cân đối về dòng tiền, không có khả năng chi trả các khoản nợ đúng hạn cho nhà cung cấp, lương người lao động, nộp thuế, nộp BHXH, trả nợ vay các tổ chức tín dụng.
Một gánh nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2023 và những năm tiếp theo là các khoản chi phí tiếp tục phát sinh ngay cả khi Công ty dừng sản xuất kinh doanh. Tính riêng cho năm 2023, khoản chi phí này ước tính lên tới trên 60 tỷ đồng, trong đó, chi phí khấu hao 12 tỷ đồng, chi phí lãi vay các tổ chức tín dụng 34 tỷ đồng, chi phí quản lí doanh nghiệp 9 tỷ đồng, chi phí lãi chậm nộp thuế, bảo hiểm 5 tỷ đồng và chi phí CCDC phân bổ dần 3 tỷ đồng.
Trước những khó khăn chồng chất, L61 xác định sẽ tập trung tái cấu trúc toàn diện Công ty, trong đó, tập trung công tác tái cơ cấu tài sản bằng cách rà soát lại các tài sản hiện có của Công ty, đánh giá nhu cầu và hiệu quả sử dụng của các loại tài sản, tiến hành thanh lý, đấu giá các tài sản không còn nhu cầu sử dụng hoặc nhu cầu, hiệu quả sử dụng thấp, từ đó có nguồn để nguồn trả nợ, giảm áp lực nợ vay của Công ty...
Năm 2023, LILAMA 69-1 lên kế hoạch doanh thu 150 tỷ đồng, giảm 77% so với kế hoạch năm 2022 và lỗ sau thuế 55 tỷ đồng.
Về kế hoạch chia cổ tức, Đại hội đã thông qua không chia cổ tức năm 2022 và 2023.
Đại hội cũng thông việc miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần LILAMA 69-1 với ông Cao Đài. Bên cạnh đó, phê duyệt thay thế thành viên HĐQT với ông Trịnh Quang Hưng.
Trong quý I/2023, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 53 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 15 tỷ.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Công ty đạt 708 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Nợ phải trả ghi nhận 650 tỷ đồng, trong đó vay nợ ghi nhận 550,4 tỷ đồng (chiếm tới 78% nguồn vốn).