Lộ điểm nghẽn của tiến trình nâng hạng chứng khoán

16/06/2023 17:49 GMT+7
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã gần chạm mức thị trường mới nổi. Một số nút thắt hiện đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra giải pháp để tháo gỡ. Tuy nhiên, một điểm nghẽn mà các ngân hàng lưu ký nước ngoài mong mỏi có được giải pháp căn cơ, đó là yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch và phong tỏa chứng khoán.

Đây là thông tin được lãnh đạo Hiệp hội các Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA) chia sẻ trong cuộc gặp song phương với Đoàn công tác Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO).

Yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch đang là điểm nghẽn của tiến trình nâng hạng chứng khoán - Ảnh 1.

Đại diện hai Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 48 của IOSCO.

Chia sẻ thông tin tại buổi gặp, bà Alice Law – Tổng Giám đốc ASIFMA cho biết, các thành viên hiện nay của Hiệp hội bao gồm cả các nhà đầu tư có tổ chức, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán, các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường, các ngân hàng lưu ký toàn cầu, các tổ chức cung cấp dịch vụ lưu ký và bù trừ chứng khoán, các công ty luật và công ty mô giới chứng khoán hoạt động kinh doanh tại châu Á. ASIFMA nắm bắt các thông tin rất kịp thời và hỗ trợ rất nhiều cho các thành viên của mình khi tham gia vào các thị trường trong khu vực.

Đối với Việt Nam, các thành viên của ASIFMA rất quan tâm tới thị trường chứng khoán, cũng như dự báo về tiềm năng tăng trưởng cao của hoạt động dịch vụ và đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới. "Để khai mở và thúc đẩy tiềm năng này, việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là vấn đề Việt Nam cần được đặt lên hàng đầu" - Tổng Giám đốc ASIFMA nhấn mạnh.

Theo thông tin từ bà Alice Law, các thành viên ASIFMA hiện đang đầu tư, cung cấp dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã gần chạm mức thị trường mới nổi. Một số nút thắt hiện đã được UBCKNN đưa ra giải pháp để tháo gỡ về mặt chính sách và thực tiễn thực hiện chính sách như: Tăng khả năng tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh cho các nhà đầu tư nước ngoài; công khai, cập nhật tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tăng số lượng các công ty niêm yết; tăng cường thanh kiểm tra trên thị trường đảm bảo tính minh bạch về công bố thông tin; thủ tục mở tài khoản giao dịch được tinh giản; tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư… Tuy nhiên, một điểm nghẽn mà các ngân hàng lưu ký nước ngoài mong mỏi có được giải pháp căn cơ, đó là yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch và phong tỏa chứng khoán.

"Về vấn đề này, các ngân hàng lưu ký thành viên của ASIFMA cho rằng nên có cơ chế riêng đối với hoạt động bảo lãnh thanh toán cho các giao dịch chứng khoán hoặc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các giao dịch chứng khoán" – bà Alice Law nói.

Tổng Giám đốc ASIFMA mong muốn làm cầu nối giữa cơ quan quản lý chứng khoán với các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ chứng khoán để trao đổi thẳng thắn, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng.

Cũng tại buổi gặp, hai bên thống nhất sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức 1 buổi tọa đàm về các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 8/2023 tại Hong Kong nhân dịp UBCKNN sang làm việc với tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI.

Đối với nội dung tăng trưởng xanh và bền vững, ASIFMA sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại các thị trường vốn phát triển về các hoạt động đầu tư có trách nhiệm, phát hành xanh, phát triển bền vững và các tiêu chuẩn công bố thông tin về trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đối với các công ty đại chúng.

Qua trao đổi, cả hai bên đều đồng ý rằng còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường vốn khu vực và của Việt Nam, duy trì sự hấp dẫn của thị trường đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, hợp tác của bà Alice Law và các thành viên của ASIFMA. "Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, trao đổi và sẽ nỗ lực đáp ứng cao nhất trong khả năng thẩm quyền đối với các ý kiến của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả ASIFMA; đồng thời mong muốn ASIFMA sẽ có góc nhìn, lan tỏa "tiếng nói" tích cực tới các thành viên của mình và các tổ chức, nhà đầu tư về thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có cả nỗ lực nâng hạng thị trường lên mới nổi của cơ quan quản lý" – Chủ tịch UBCKNN chia sẻ thêm.

Hiệp hội Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA), là một hiệp hội thương mại khu vực, độc lập với khoảng 170 công ty thành viên bao gồm hơn 50 ngân hàng đa quốc gia, hơn 40 công ty quản lý tài sản và nhà đầu tư tổ chức và một loạt các bên liên quan từ toàn bộ cơ sở hạ tầng khu vực tài chính. ASIFMA đã đưa ra nhiều sáng kiến bao gồm tham vấn với các cơ quan quản lý các nước và trao đổi, xây dựng bộ tiêu chuẩn ngành thống nhất, vận động cải thiện thị trường thông qua các tài liệu tư vấn chính sách và giảm chi phí kinh doanh trong khu vực.


H.Anh
Cùng chuyên mục