Lo ngại rủi ro chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền
“Đất nền không phải một kênh đầu tư mang tính bền vững”
Báo cáo tổng hợp từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, hiện các dự án đất nền được triển khai rất mạnh tại nhiều điểm du lịch biển trên cả nước. Sản phẩm chủ đạo là nhà đất và đất nền.
Tính riêng năm 2018, lượng cung mới tại các tỉnh ước đạt 100.000 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ bình quân tại các dự án trong năm 2018 đạt trên 60% lượng hàng mỗi đợt chào bán ra thị trường, được đánh giá là tốt hơn so với năm 2017. Hội Môi giới nhận định, giá đất nền tại các tỉnh có thể tăng trong biên độ từ 10 đến 15% trong năm 2019.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận rõ ràng đây không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư lướt sóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Rủi ro bị tồn đọng vốn do tính thời vụ và chịu ảnh hưởng bởi sóng thị trường; Rủi ro mua phải đất không rõ ràng pháp lý, đất lấn chiếm giấy tờ chủ yếu là giấy viết tay giá trị đảm bảo không cao. Một số dự án sau khi phân lô bán đất xong, thu tiền của khách hàng rồi nhưng lại bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch.
Với nhiều rủi ro nêu trên, các dòng vốn sẽ có sự phân hóa và dịch chuyển dần về những kênh đầu tư năng động hơn so với đất nền. Đó là những loại tài sản dễ kinh doanh, dễ kiểm soát dòng tiền và thu hồi vốn.
Sau cơn "sốt đất", khu đô thị Vương Long (Vân Đồn, Quảng Ninh) chỉ là những ô đất hoang.
Tại Diễn đàn "Đầu tư bất động sản 2019: Rủi ro và cơ hội" vừa diễn ra, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện tại chỉ tiêu về tiêu dùng của Việt Nam đang rất tốt, nhiều dự án nhà ở lớn được triển khai ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Về khuyến nghị cho nhà đầu tư khi đầu tư vào thị trường bất động sản, ông Nam nhấn mạnh: “Hiện nay, thị trường bất động sản du lịch đang phát triển mạnh nhưng đầu tư vào đâu cần cẩn trọng, tôi khuyên tránh đất nền tại các dự án nhỏ lẻ, hay như việc mua lại đất nền của người dân là rất nguy hiểm. Thay vào đó, nhà đầu tư nên đầu tư vào dự án có quy mô lớn của các doanh nghiệp lớn là kênh đầu tư sinh lời, đảm bảo giá trị”, ông Nam nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn trên, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện chưa có dấu hiệu gì của “tích tụ bong bóng” dẫn tới khủng hoảng của thị trường bất động sản, nói cách khác tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang ở lưng chừng dốc đi lên chứ chưa có dấu hiệu đi xuống.
Tuy nhiên, theo ông Võ, thời gian vừa qua có hiện tượng sốt đất cục bộ tại một số địa phương. Việc nhà đầu tư nhận đất xong thì chia lô bán nền ngay là đi ngược lại với cách đầu tư chuyên nghiệp là đưa vào đầu tư để sinh lời. “Chúng ta khuyến khích đầu tư trên đất, đây là nguyên tắc đầu tư bất động sản của tất cả các nước”, ông Võ nói.
Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Ở các nước khác họ chỉ dùng cơ chế chia lô bán nền để giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. Tức là do anh ít tiền quá, nay anh làm cái nền, mai ai làm cái móng... Còn ở nước ta, cơ chế chia lô bán nền như một sản phẩm của thị trường bất động sản. Điều này không đúng”.
“Tôi nghĩ, lúc này lên quay lại việc cấm chia lô bán nền đi, bởi vì đang bị rất nhiều dự án “ma” lợi dụng”, ông Võ nhấn mạnh.
Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng rất lớn
Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường bất động sản đang trên đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng tới. Tiềm năng phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam còn rất lớn bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao và sự hấp dẫn của những cảnh quan thiên nhiên.
“Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, sự tăng trưởng của ngành du lịch đã kéo theo sự sôi động của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lan rộng khắp cả nước. Từ các dự án ven biển như Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết, Thanh Hóa, Bình Định, Đà Nẵng… đến các dự án tại các thành phố du lịch, miền núi như Hà Nội, Đà Lạt, Sa Pa, TP HCM…
1.000 căn shop thương mại dự án Grand World Phú Quốc được giao dịch trong 3 tháng.
Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết, chỉ trong hai năm 2018, 2019 sẽ có khoảng 40.000 căn hộ condotel được mở bán. Sự phát triển bùng nổ các dự án này đã giúp gia tăng số phòng lưu trú, các dịch vụ, tiện ích phục vụ du khách, làm thay đổi diện mạo ngành du lịch của nhiều địa phương.
“Các sản phẩm chung cư biển với pháp lý đảm bảo có giao dịch sôi động hơn hẳn so với condotel trong năm 2018. Điều này cho thấy các nhà đầu tư càng ngày càng cẩn trọng hơn khi xem xét tính pháp lý và đánh giá tiềm năng sản phẩm”, ông Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Từ mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, cơ hội để thị trường bất động sản du lịch tăng trưởng là rất tiềm năng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vấn đề được đặt ra đã gây khó khăn cho thị trường này.
“Việc đẩy mạnh du lịch, bên cạnh các doanh nghiệp lớn làm ăn nghiêm chỉnh, vẫn có làn sóng nhỏ ăn theo là các dự án nhỏ đầu tư có quy mô nhỏ. Tôi khuyến cáo các khách hàng nên mua sản phẩm của dự án quy mô tại các doanh nghiệp có tên tuổi ở những nơi có khả năng phát triển du lịch như Vân Đồn như CEO, SunGroup, VinGoup…”, ông Nam nhấn mạnh.
Về Condotel, ông Nam cho biết, Chính phủ đã khẳng định đó là sản phẩm của du lịch, nên được điều chỉnh bởi Luật Du lịch. “Như vậy, đây đã là sản phẩm được giao dịch và mua bán”, ông Nam nhấn mạnh.