Trong khi "anh em" cùng ngành tăng trưởng bằng lần, vì đâu Lộc Trời (LTG) chỉ nhích hơn 14%?

05/02/2022 07:44 GMT+7
Lũy kế cả năm, Lộc Trời (LTG) ghi nhận doanh thu đạt 10.224 tỷ đồng, tăng 36,2% và lợi nhuận sau thuế đạt 421,8 tỷ đồng tăng 14,4% so với năm 2020.

Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021 với doanh thu đạt 3.110,1 tỷ đồng giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 20,1% lên 21,4%.

Lợi nhuận gộp giảm 6,2% về 666,6 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 52,8% lên 104,68 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 5,2%, tương ứng tăng thêm 22,6 tỷ đồng lên 457 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp tăng thêm 55,88 tỷ đồng lên 55,8 tỷ đồng.

Trừ đi các chi phí, quý IV/2021 Lộc Trời báo lãi 159,7 tỷ đồng giảm 2,3%.

Lộc Trời (LTG) hoàn thành mục tiêu năm 2021, lãi đạt 421,8 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 14% - Ảnh 1.

Tập đoàn Lộc Trời lần đầu tiên xuất khẩu lô gạo sử dụng tàu biển dạng hàng rời (bulk carrier) để tiết kiệm chi phí.

Lũy kế cả năm, Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 10.224 tỷ đồng, tăng 36,2% và lợi nhuận sau thuế đạt 421,87 tỷ đồng tăng 14,4% so với năm 2020. Như vậy, kết thúc năm tài chính công ty hoàn thành 105,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong năm 2021, dòng tiền kinh doanh suy giảm mạnh. Cụ thể, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính chỉ còn dương 28 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 828,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 356,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.361,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của LTG tăng 14,1% so với đầu năm lên 7.895,96 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 2.358,3 tỷ đồng, chiếm 29,9% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.932,5 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.665,3 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.418,2 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản.

Ngoài ra, trong năm 2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 76,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.570,7 tỷ đồng lên 3.625,6 tỷ đồng và chiếm 45,9% tổng nguồn vốn.

Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận xuất khẩu gạo trong năm 2021 đạt hơn 80 nghìn tấn, trị giá thu về 1.000 tỷ đồng, chiếm 24% doanh thu gạo cả năm 2021. Những ngày cuối năm, LTG xuất khẩu lô gạo sử dụng tàu biển dạng hàng rời nhằm tiết kiệm chi phí tại thời điểm phí vận chuyển bằng container đang rất cao do ảnh hưởng Covid-19.

Trong năm 2021, các thị trường chính của tập đoàn này tiếp tục là Anh, châu Phi, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á.

Với thị trường châu Âu, Lộc Trời đã phát triển mạnh trong năm qua nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Mảng xuất khẩu gạo của Lộc Trời nhờ đã tăng gấp khoảng 4 lần về sản lượng và doanh số so với năm ngoái, có thêm 15 đối tác mua hàng mới trên thị trường quốc tế.

Đây là tín hiệu tích cực sau khi doanh nghiệp này gặp khó khăn trong mảng sinh lời nhất: kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: "Việc xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính chính là một trong những thách thức hàng đầu đối với Lộc Trời nói riêng và các công ty nông sản nói chung. Với đơn hàng cuối cùng hơn 4.000 tấn vừa xuất khẩu sang châu Âu trước thềm năm mới, chúng tôi tin rằng năm 2022 sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác, giúp tăng hiệu quả của kinh tế nông nghiệp góp phần vào sự phát triển cộng đồng tại khu vực nông thôn".

Trong năm qua, doanh thu từ gạo chiếm phần lớn và thuốc bảo vệ thực vật ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, lợi nhuận từ mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật là lớn nhất. Việc LTG ngưng hợp tác với Syngenta - công ty thuốc bảo vệ thực vật thuộc Big4 của thế giới - được cho là ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp này.

Chốt phiên giao dịch ngày 28/1, cổ phiếu LTG tăng 300 đồng lên 31.400 đồng/cổ phiếu



An Vũ
Cùng chuyên mục