Lợi nhuận đáng thất vọng, các đại công ty S&P 500 đổ lỗi cho thương chiến

22/07/2019 14:37 GMT+7
Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ các công ty có doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại, vì nó tác động nặng nề đến sự tăng trưởng kinh tế ở tầm vĩ mô.

Xung đột thương mại Mỹ Trung kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sự chuyển dịch thị trường cũng như giá trị chuỗi cung ứng, bởi các nhà đầu tư thận trọng về chi phí sản xuất gia tăng và sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận công ty trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Dù những rào cản này chẳng thể ngăn chứng khoán Mỹ lên đỉnh và các chỉ số S&P 500, Dow Jones hay NASDAQ lập kỷ lục mới, nhưng chúng vẫn là mối quan ngại lớn với nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã viện dẫn xung đột thương mại là lý do dẫn đến kết quả kinh doanh kém trong quý II, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, linh kiện điện tử và con chíp với báo cáo kinh doanh không như kỳ vọng.

PPG

Nhà cung cấp sơn và vật liệu xây dựng đã đạt mức lợi nhuận vượt kỳ vọng trong quý II, nhưng lại không đạt mục tiêu doanh thu như dự kiến, theo báo cáo kinh doanh vừa công bố hôm thứ Năm tuần trước.

CEO PPG Industries, ông Michael McGarry phát biểu trong một Hội nghị cổ đông rằng PPG Industries nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn giảm tốc trong quý III do các tranh chấp thương mại trong khu vực và quốc tế, một trong những lý do chính làm doanh thu giảm mạnh.

PPG Industries được biết đến như nhà cung cấp sơn phủ cho các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô Trung Quốc, do vậy chiến tranh thương mại Mỹ Trung và các lệnh trừng phạt thuế quan giữa Bắc Kinh và Washington đã làm giảm phần lớn nhu cầu với sơn phủ của PPG.  

CSX 

Cổ phiếu của nhà điều hành vận tải đường sắt và bất động sản Bắc Mỹ CSX Corp đã giảm tới 10,2% sau khi công bố báo cáo kinh doanh quý II, với doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, xuống dưới mức dự báo của các nhà phân tích.

Giám đốc điều hành CSX Corp, ông James Foote cho hay hôm thứ Ba tuần trước, rằng bối cảnh kinh tế hiện tại là một trong những mối quan ngại lớn nhất mà ông từng trải qua trong sự nghiệp của mình. Còn Mark Wallace, phó Giám đốc phụ trách các vấn đề bán hàng và tiếp thị khẳng định một thỏa thuận thương mại hoặc quyết định về thuế quan rõ ràng mới giúp giảm bớt những nguy cơ trong kỳ kinh doanh tới.

Union Pacific

Cổ phiếu của hãng đường sắt vận tải lớn nhất nước Mỹ đã giảm hơn 6% hôm Thứ Ba tuần trước, khi các nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào ngành đường sắt sau màn công bố doanh thu đáng thất vọng từ CSX Corp. Tuy nhiên ngay sau đó, cổ phiếu của Union Pacific Corp nhanh chóng tăng trở lại khi tập đoàn này công bố doanh thu và lợi nhuận quý II vượt lên kỳ vọng.

Dù vậy, Phó chủ tịch tập đoàn, ông Kenny Rocker vẫn nhấn mạnh rằng bối cảnh mờ mịt của nền kinh tế toàn cầu hiện nay có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng doanh thu quý IV của Union Pacific Corp, khi mà nhiều doanh nghiệp đã vội vã vận chuyển hàng tồn kho từ quý IV/2018. Ông nhấn mạnh thêm, không chỉ lĩnh vực vận tải, những bất ổn thương mại còn gây áp lực nặng nề đến ngành nông nghiệp của Mỹ, khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu nông sản.

Honeywell

Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm thương mại, dịch vụ kỹ thuật và tiêu dùng của Mỹ đã công bố lợi nhuận quý II vượt qua kỳ vọng hôm thứ Năm tuần trước, mặc cho doanh thu giảm nhẹ. Kết quả này giúp cổ phiếu Honeywell International Inc tăng nhẹ, nhưng vẫn chứng kiến mức giảm 1,5% trong tuần. Tổng kết nửa đầu năm 2019, cổ phiếu Honeywell International Inc đã tăng 32%, cao vượt trội so với mức tăng bình quân 19,6% của các doanh nghiệp S & P 500.

Dù vậy, CFO Honeywell International Inc ông Greg Lewis vẫn khẳng định công ty đang giữ quan điểm thận trọng về tăng trưởng trong ngắn hạn do nhiều tín hiệu vĩ mô bất ổn: từ GDP Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 27 năm cho đến căng thẳng thương mại Mỹ Trung, Brexit bế tắc… “Chúng tôi cho rằng nên thận trọng khi đưa ra bất kỳ dự đoán nào trong bối cảnh không chắc chắn này. Kỳ vọng doanh thu quý II và nửa cuối năm 2019 mà chúng tôi đưa ra đã phản ánh điều đó”.

Morgan Stanley và Goldman Sachs

CFO của Morgan Stanley, ông Jonathan Pruze đã viện dẫn các diễn biến đàm phán thương mại Mỹ Trung chậm chạp để lý giải tại sao hoạt động mua lại và sáp nhập tại thị trường Trung Quốc diễn ra chậm hơn kỳ vọng.

Còn Goldman Sachs cũng đổ lỗi cho bất ổn thương mại Mỹ Trung gây ra doanh thu giảm trong quý II vừa qua, do ảnh hưởng đến mảng bảo lãnh phát hành chứng khoán của các doanh nghiệp. CEO David Solomon của Goldman Sachs cho rằng các xung đột địa chính trị đã gây ra những rủi ro đáng kể mà thị trường phải thận trọng. Mối quan ngại chiến tranh thương mại leo thang làm dấy lên nguy cơ trừng phạt thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc và Mexico, điều đã được IMF cảnh báo gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Phản ứng trước tình hình đó, vốn chủ sở hữu có nhiều biến động, đường cong lợi suất đảo ngược và khách hàng tỏ ra thận trọng hơn” - ông David Solomon nhận định.

Nike

Đế chế thời trang Nike công bố báo cáo doanh thu quý II không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích, dù cho mối lo ngại trừng phạt thuế quan với hàng hóa may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị đình chỉ. CFO của Nike, ông Andrew Campion đã viện dẫn sức mạnh của đồng USD, bế tắc Brexit và quan trọng hơn là bối cảnh xung đột thương mại Mỹ Trung là nguyên nhân khiến doanh số và lợi nhuận của Nike bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Micron

Nhà sản xuất con chíp nước Mỹ đã chứng kiến một quý kinh doanh lao đao khi mà xung đột Mỹ Trung căng thẳng nhất trên phương diện công nghệ. “Với những thách thức mà toàn ngành đang phải đối mặt, quý III sắp tới tiếp tục là khoảng thời gian kinh doanh bất ổn” - ông Cameron Sanjay Mehrota, CEO Micron cho hay.

Dù vậy, cổ phiếu của Micron vẫn tăng 18,5% từ đầu tháng 7 đến nay sau khi Mỹ đồng ý dỡ bỏ một phần hạn chế với Huawei và nối lại đàm phán thương mại, giảm bớt áp lực xuống ngành công nghệ nói chung và lĩnh vực sản xuất chíp nói riêng.

FedEx

Hãng giao nhận vận tải khổng lồ FedEx vừa công bố báo cáo tài chính quý II hồi cuối tháng 6 vừa qua, với khoản lỗ gần 2 tỷ USD, do sự giảm tốc của thương mại toàn cầu. “Những xung đột thương mại và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp giao nhận vận tải nói chung và FedEx nói riêng” - CEO FedEx Fred Smit cho hay. “Chúng tôi phải thận trọng trong công tác dự báo doanh thu năm 2019 và 2020 trong bối cảnh đó”.

Cổ phiếu của FedEx đã giảm 15,5% trong 3 tháng qua, sau hàng loạt lùm xùm liên quan đến vụ kiện giao sai địa chỉ bưu phẩm của Huawei sang Mỹ.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục