Lợn hơi có trọng lượng lớn trên 1 tạ đang được xả bán mạnh
Giá lợn hơi tăng/giảm trái chiều, thị trường lên xuống khó đoán
Giá lợn hơi tính đến chiều ngày 06/10/2022, thị trường lên xuống khó đoán. Cả 3 miền Bắc- Trung- Nam có giá lợn hơi tăng giảm trái chiều, mức giá toàn quốc dao động trong khoảng 53.000-63.000 đồng/kg.
Một số tỉnh có giá lợn hơi tăng nhẹ như: Quảng Ngãi, Long An, Hậu Giang, Bến Tre tăng thêm 1.000vnđ/kg. Các tỉnh: Bắc Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Kiên Giang giảm 1.000-2.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi các khu vực đang bị thương lái ép giá nhiều do lượng lợn hơi có trọng lượng lớn trên 1 tạ đang được xả bán mạnh sau thời gian giữ chờ tăng giá.
Ngày 6/10 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam ổn định. Giá lợn hơi Công ty chăn nuôi C.P miền Bắc điều chỉnh tăng 1.000-2.000 đồng/kg từ vài hôm trước, mang lại tín hiệu tốt để chặn đứng đà giảm. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 63.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 61.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi Trung Quốc ngày 6/10 tiếp tục tăng mạnh, đứng ở mức 85.200 đồng/kg so với giá ngày trước đó là 84.600 đồng/kg và so với mức 81.900 đồng/kg cuối tuần trước.
Trước đó, sáng ngày 6/10, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi tiếp tục điều chỉnh giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một số địa phương và dao động trong khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg. Cùng giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn tại hai tỉnh Ninh Bình và Hưng Yên lần lượt xuống còn 58.000 đồng/kg và 62.000 đồng/kg. Còn tại Vĩnh Phúc sau khi giảm 1.000 đồng/kg, thương lái thu mua lợn hơi với mức giá 60.000 đồng/kg. Các địa phương khác, giá lợn hơi không thay đổi, trong đó, Bắc Giang và Thái Bình là hai địa phương thu mua lợn hơi với mức giá 63.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi sáng 6/10 giảm nhẹ và dao động trong khoảng 56.000 - 61.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Bình Thuận, sau khi điều chỉnh giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại địa phương này đang được thương lái thu mua ở mức 58.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, thương lái tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục thu mua lợn hơi với giá 61.000 đồng/kg. Ninh Thuận tiếp tục là tỉnh có giá lợn hơi thấp nhất khu vực với mức 56.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi sáng ngày 6/10 tăng 2.000 đồng/kg tại nhiều địa phương và dao động trong khoảng 55.000 - 61.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang cùng điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg, hiện đang thu mua tại mức tương ứng là 55.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg. Cùng tăng 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng và Bến Tre đang được giao dịch cùng mức 58.000 đồng/kg. Trong khi đó, thương lái tại các tỉnh thành khác vẫn thu mua heo hơi với giá ổn định trong khoảng 56.000 - 61.000 đồng/kg.
Thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh, tạo đà cho nông dân tái đàn
Trong tháng 9/2022, giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 54.000-69.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với cuối tháng 8/2022. Trong những ngày gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh, hiện dao động khoảng 54.000-62.000 đồng/kg, và mới chỉ nhích tăng trở lại trong vài ngày gần đây. Dự báo trong thời gian tới, giá lợn hơi sẽ dao động quanh ngưỡng 55.000-65.000 đồng/ kg, vào thời điểm cuối năm giá lợn hơi có thể sẽ tăng trở lại do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng.
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và dịch Covid-19, ngành chăn nuôi cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi mức cao. Với những tín hiệu khả quan của việc phục hồi kinh tế nói chung, ngành chăn nuôi đang chờ đợi sự bứt phá cho những tháng cuối năm.
Tổng đàn vật nuôi và sản lượng sản xuất tại các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang dần ổn định, đặc biệt là các doanh nghiệp chủ động được nguồn con giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học. Đàn trâu, bò cả nước phát triển ổn định, dịch viêm da nổi cục tiếp tục được kiểm soát. Tuy giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao nhưng nguồn cung thịt lợn trong nước dần khôi phục trở lại. Bên cạnh đó, lượng thịt lợn nhập khẩu giảm cũng là cơ hội cho nguồn cung trong nước tăng lên. Cùng với đó, người chăn nuôi tập trung tái đàn nên số lượng lợn tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo cáo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý III/2022, sản lượng thịt lợn của cả nước ước đạt 1.132 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021; Sản lượng thịt bò ước đạt 107 nghìn tấn, tăng 5,5%; Sản lượng thịt trâu ước đạt 26 nghìn tấn, tăng 1,6%; Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 495 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, Việt Nam nhập khẩu 60,33 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 129,6 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 15,4% về trị giá so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 411,19 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 918,68 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 8/2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 36 thị trường trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam với 11,7 nghìn tấn, trị giá 19,76 triệu USD, tăng 40,4% về lượng và tăng 68,8% về trị giá so với tháng 8/2021, chiếm 19,41% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng.
Trong tháng 8/2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt lợn giảm so với cùng kỳ năm 2021; Trong khi nhập khẩu thịt trâu, thịt gia cầm, thịt bò tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm từ đầu năm 2022 đến nay, do nhu cầu phục hồi chậm. Trong khi, thịt lợn nhập khẩu vẫn không dễ cạnh tranh với thịt lợn trong nước. Nhất là trong bối cảnh giá thịt lợn trong nước đang ở mức hợp lý đối với cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022, Việt Nam nhập khẩu 9,37 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 19,52 triệu USD, giảm 35,6% về lượng và giảm 41,8% về trị giá so với tháng 8/2021; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.082 USD/tấn, giảm 9,5% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng năm 2022, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 64,59 nghìn tấn, trị giá 137,02 triệu USD, giảm 41,3% về lượng và giảm 46,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 24 thị trường, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Brazil chiếm 36,5%; Nga chiếm 26,3%; Đức chiếm 14,1%; Canada chiếm 9,6%; Hà Lan chiếm 4,2% trong tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của cả nước.
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023. Thời điểm này, người dân tại các địa phương có ngành chăn nuôi phát triển đang tập trung các nguồn lực, đầu tư con giống chăn nuôi để phục vụ thị trường Tết. Dù đối mặt nhiều khó khăn, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao, song người dân vẫn kỳ vọng thu lợi nhuận tốt khi xuất bán gia súc, gia cầm trong dịp Tết. Với diễn biến như hiện nay, Tết Nguyên đán 2023 thị trường sẽ không thiếu nguồn cung thịt lợn, thịt gà.
Được biết, với thị trường thịt lợn trong nước, để cân đối cung cầu, từ nay đến cuối năm, cả nước phải đạt sản lượng thịt các loại khoảng 7 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi phải đạt trên 4,2 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn.
Bộ NNN&PTNT đang tập trung giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi. Người dân và doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì và tăng đàn, tăng nguồn cung, từ đó góp phần ổn định thị trường từ nay tới cuối năm.