Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

20/01/2024 07:56 GMT+7
Theo đánh giá của VnDirect Research, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn sẽ hạn chế được tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro có thể gây tác động đến hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTC).

Sáng 18/01/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025.

Theo các chuyên gia VnDirect Research, tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng (TCTD) đang là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sau đây gọi tắt là Luật, đã đưa ra các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn. Theo đó các cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một TCTD (bao gồm cả sở hữu gián tiếp).

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng- Ảnh 1.

Sáng 18/01/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) sửa đổi.

Luật cũng quy định, một tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của một TCTD không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một TCTD khác.

Theo đánh giá của VnDirect Research, quy định này sẽ hạn chế được tình trạng sở hữu chéo và giảm thiểu rủi ro có thể gây tác động đến hoạt động của TCTD.

Luật sửa đổi cũng đưa ra quy định mới về công bố thông tin, theo đó, cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ phải công bố thông tin về bản thân, tỷ lẹ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữ của người có liên quan. Điều này làm tăng cường tính minh bạch trong việc sở hữu cổ phần của TCTD.

Một trong những nội dung được thảo luận trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là quyền thu giữ tài sản đảm bảo và quyền chuyển nhượng tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42/2017/QH-14 thí điểm về xử lý nợ xấu được cho là đã có hiệu quả rõ rệt trong việc giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo, từ đó đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu.

Một trong những nguyên nhân được cho là Điều 7 – Quyền thu giữ tài sản đảm bảo, đã quy định TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của bên bảo đảm, tránh được tình trạng người đi vay tiền không phối hợp bàn giao tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, trong Luật được thông qua lần này đã không đề cập gì đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo.

Theo VnDirect, việc bỏ đi quy định "thu giữ tài sản đảm bảo" gây ra những lo ngại về việc chậm trễ trong quá trình thu hồi tài sản nếu bên bảo đảm không hợp tác. "Chúng tôi cho rằng nếu có những quy định rõ ràng hơn của cơ quan chức năng về "thu giữ tài sản đảm bảo" thì sẽ hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý nợ xấu hiệu quả hơn", báo cáo nêu.

Cũng theo VnDirect, câu chuyện rút tiền hàng loạt tại SCB trong năm 2022 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro rút tiền hàng loạt (bank run), gây ra nguy cơ rủi ro thanh khoản cho toàn hệ thống. Trong Luật Các tổ chức tín dụng lần này đã bổ sung thêm quy định về can thiệp sớm các TCTD cần hỗ trợ và quy định về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt. Động thái này sẽ hỗ trợ ổn định tâm lý thị trường và người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro thanh khoản hệ thống trong tương lai.


O.L
Cùng chuyên mục