"Miếng bánh" thị phần hàng không đang thay đổi ra sao?
Hai "ông lớn" trong lĩnh vực vận tải hàng không là Vietnam Airlines và Vietjet Air đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019. Đáng chú ý, trong quý II, kết quả kinh doanh của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines sụt giảm nghiêm trọng, tạo điều kiện cho Vietjet tiếp tục bỏ xa khoảng cách chênh lệch về thị phần, lợi nhuận thu được.
Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo báo lãi "vượt mặt" Vietnam Airlines
Theo báo cáo tài chính quý II/2019 của Công ty cổ phần hàng không Vietjet, hãng hàng không của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo đạt gần 2.398 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2019.
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietjet đạt 26.301 tỷ đồng, tăng 23,9% so với nửa đầu năm 2019. Tương ứng, giá vốn hàng bán trong kỳ cũng tăng từ 18.223 tỷ lên 22.846 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp của Vietjet “cộng thêm” 15%, mang về cho hãng hàng không này 3.451 tỷ đồng.
Riêng quý II/2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietjet đạt 12.664 tỷ đồng, tăng tới 46% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu quốc tế gấp 1,7 lần doanh thu nội địa.
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động tài chính mang về cho Vietjet trên 254,7 tỷ đồng, tăng gần 86% so với cùng kỳ. Kỳ này, chi phí tài chính là hơn 125 tỷ đồng. Phần lỗ từ công ty liên doanh, liên kết tương đương với cùng kỳ. Trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng mạnh 52% và 44%.
Lợi nhuận khác cũng tăng đột biến và mang về cho Vietjet gần 20 tỷ, gần gấp 10 lần con số của cùng kỳ. Kết quả, 6 tháng, Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận gần 2.378 tỷ đồng lãi thuần, cao hơn so với mức 2.157 tỷ của cùng kỳ năm trước.
Với những biến động này, lợi nhuận trước thuế của Vietjet tăng trưởng 11%. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 2.084 tỷ đồng.
Trái ngược với tình hình kinh doanh khả quan của Vietjet, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lại có kết quả kinh doanh không được thuận lợi.
Nếu so với ông lớn Vietnam Airlines, mặc dù doanh thu hợp nhất của Vietjet thấp hơn Vietnam Airlines nhưng lợi nhuận trước thuế của hãng hàng không tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã vượt hãng hàng không quốc gia.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietnam Airlines 6 tháng đầu năm đạt 1.650 tỷ đồng, Vietjet đạt hơn 2.398 tỷ đồng, cao hơn 748 tỷ đồng so với Vietnam Airlines. Đặc biệt, quý II/2019, nếu không có khoản lợi nhuận khác đột biến, Vietnam Airlines đã phải báo lỗ trong quý này.
Đáng chú ý, trong công bố trước đó về tình hình kinh doanh quý II, Vietnam Airlines ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý chỉ đạt 71 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số báo cáo tài chính hợp nhất bán niên vừa công bố. Vì vậy, nếu so với con số ước tính cũ, lợi nhuận trước thuế của Vietjet Air trong quý II sẽ cao gấp 10 lần của Vietnam Airlines.
Giải trình về kết quả kinh doanh "èo uột" trong quý II, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết nguyên nhân là thu tài chính từ hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của công ty mẹ tăng gần 150 tỷ so với cùng kỳ nên khi hợp nhất, lợi nhuận giảm tương ứng.
Vietnam Airlines đang bị Bamboo Airways "cắn" miếng bánh thị phần?
Mặc dù “thua” về lợi nhuận, song Vietnam Airlines đã lấy lại vị trí dẫn đầu về số lượng khách chuyên chở và số chuyến bay trong nửa đầu năm nay.
Cụ thể, số hàng khách chuyên chở của hãng hàng không quốc gia là 13,9 triệu lượt và số chuyến bay lên tới trên 73.000 chuyến. Con số này cao hơn 13,5 triệu lượt và 68.800 chuyến bay như đề cập trong báo cáo tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2019 của hãng hàng không do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm CEO.
Được biết, sau một thời gian dài liên tục tăng trưởng về thị phần nội địa, năm 2017, Vietjet bắt đầu tiệm cận con số thị phần của hãng hàng không quốc gia, và chính thức vượt mặt vào năm ngoái 2018 về số lượt hành khách chuyên chở (23 triệu so với 22 triệu) và quý I/2019 (5,8 triệu so với 5,4 triệu).
Trong năm 2019, hãng hàng không giá rẻ của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đặt mục tiêu vận chuyển 27,7 triệu lượt hành khách, nhiều hơn 2,7 triệu lượt so với Vietnam Airlines.
Về thị phần nội địa, ba hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO chiếm khoảng 51% miếng bánh toàn thị trường. Thị phần trong nước của Vietnam Airlines tiếp tục sụt giảm so với kết quả 55,3% cuối năm 2018 và 52% tại thời điểm kết thúc quý I/2019. Báo cáo của của Cục Hàng không cũng cho thấy, Vietnam Airlines đang tạm thời xếp vị trí thứ hai về thị phần nội địa sau Vietjet, với tỷ lệ 35,9%.
Về phía Vietjet, đại diện hãng hàng không này cho biết, hãng đang nắm 44% thị phần vận chuyển hành khách nội địa, thấp hơn con số 46% của năm 2018. Trong khi đó, hãng hàng không Bamboo Airways đã giành được trên 4% miếng bánh hàng không nội địa sau nửa năm cất cánh.
Dù vậy, trong hai "ông lớn" trong lĩnh vực vận tải hàng không, có thể thấy Vietnam Airlines đang bị Bamboo Airways "cắn" miếng bánh thị phần nhiều hơn.
Điều này cũng không khó lý giải bởi sau thời gian đầu vận hành, Bamboo Airways cũng đang đi theo con đường của hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Dường như Bamboo Airways tách hoàn toàn khỏi phân khúc giá rẻ của Vietjet và Jetstar.
Hiện tại, có rất nhiều điểm tương đồng giữ Bamboo Airways và hãng hàng không quốc gia, đặc biệt là dịch vụ phục vụ suất ăn miễn phí kèm vé là điều không tồn tại trong mô hình kinh doanh hiện tại của Vietjet.
Sự xuất hiện của Bamboo Airways gia nhập thị trường, và thị trường sẽ tiếp tục có nhiều tay chơi mới sẽ là thách thức lớn cho cả 2 ông lớn trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần.