Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực

19/03/2021 07:17 GMT+7
Moody's thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở Ba3 và nâng triển vọng từ "tiêu cực" lên "tích cực".

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) thông báo xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở Ba3 và nâng triển vọng từ "tiêu cực" lên "tích cực". Các yếu tố để tổ chức này nâng triển vọng lên tích cực bao gồm tín hiệu cho thấy sức mạnh tài chính, kinh tế được cải thiện, giúp củng cố hơn nữa hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

Tháng 12/2019, Moody’s đánh giá triển vọng tín nhiệm của Việt Nam tiêu cực, phản ánh lo ngại liên quan điều hành, dẫn đến việc trì hoãn một nghĩa vụ trả nợ gián tiếp. Moody’s đánh giá chính phủ Việt Nam đã tăng cường củng cố quản lý nợ, giám sát chặt chẽ hơn những nghĩa vụ thanh toán sắp đến hạn. Do đó, rủi ro chậm trễ thanh toán nợ giảm bớt.

Điều kiện tài chính vững chắc mang lại sự cải thiện trong các thước đo tài chính và nợ - được Moody’s nhận định là chỉ bị gián đoạn ngắn do đại dịch Covid-19. Sức mạnh kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển toàn cầu trong sản xuất, thương mại và tiêu thụ hậu đại dịch

Các yếu tố mang tính cấu trúc và chu kỳ có thể giúp củng cố sức mạnh kinh tế cho Việt Nam, nhờ sự hội nhập của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng châu Á cùng khả năng nắm bắt sự gia tăng lực cầu hàng điện tử, điện thoại thông minh, đồ nội thất cùng nhiều hàng hóa sản xuất khác khả năng cao kéo dài tới sau đại dịch.

Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực - Ảnh 1.

Moody's nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam từ tiêu cực lên tích cực. Ảnh: Reuters.

Tỷ lệ của Việt Nam trong xuất khẩu toàn cầu tăng nhanh đáng kể từ năm 2010 và giờ đã đuổi kịp những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất và thương mại, là một bên tham gia nhiều thỏa thuận tự do thương mại lớn trong khu vực như RCEP, CPTPP, hiệp định tự do thương mại song phương với EU – một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Trong bối cảnh các công ty tìm cách đa dạng hóa sản xuất tại châu Á, Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút FDI với chi phí lao động cạnh tranh, chính trị ổn định và có các ưu đãi về thương mại, đầu tư.

Moody’s dự báo những thỏa thuận trên sẽ củng cố hơn nữa vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong những sản phẩm giá trị gia tăng thấp (như giày dép, hàng may mặc) so với các nhà sản xuất lớn, tiến vào trung tâm các chuỗi cung ứng công nghệ giá trị gia tăng cao (như điện thoại thông minh, bán dẫn cùng các sản phẩm điện tử khác).

Hội nhập thương mại còn tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng logistics và vận tải của Việt Nam – vốn đang kém phát triển hơn những nền kinh tế Đông Nam Á khác nhưng dần bắt kịp về tính hiệu quả.

Sự lan tỏa gia tăng từ hoạt động sản xuất nước ngoài sang chuỗi giá trị nội địa sẽ củng cố hơn nữa sức mạnh kinh tế Việt Nam. Theo thời gian, các chỉ số tài khóa và sức mạnh kinh tế tăng có thể phản ánh sự hiệu quả trong cải thiện chính sách, thúc đẩy hồ sơ tín dụng Việt Nam.

Như Tâm
Cùng chuyên mục