Muốn làm dự án nhà ở cao cấp 2.110 tỷ đồng ở Hưng Yên, Sufat Việt Nam có gì?

16/03/2023 15:58 GMT+7
Công ty TNHH Sufat Việt Nam là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ thầu dự án Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ - nhà ở cao cấp (Lavida Green) có tổng chi phí thực hiện 2.110 tỷ đồng.

Sufat Việt Nam muốn làm dự án hơn 2.100 tỷ đồng ở Hưng Yên

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên công bố kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ - nhà ở cao cấp (Lavida Green) có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 2.110 tỷ đồng. Theo đó, nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ là Công ty TNHH Sufat Việt Nam (trụ sở tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) được đánh giá đạt năng lực, kinh nghiệm sơ bộ.

Nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ là Công ty TNHH Sufat Việt Nam (trụ sở tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 2.110 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 45.640,7 m2. Mục tiêu đầu tư Dự án là xây dựng khu nhà ở liền kề, shophouse, chung cư để bán, cho thuê văn phòng, sàn thương mại - dịch vụ, đáp ứng quy mô dân số khoảng 3.661 người.

Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm, hoàn thành đầu tư trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được chấp thuận thực hiện.

Được biết, đây là một trong những dự án lớn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và mục tiêu của dự án đáp ứng cả về nhà ở lẫn đầu tư kinh doanh thương mại, cho thuê và dịch vụ tiện ích, hứa hẹn sẽ là nơi thu hút được nhiều nhà đầu tư, khách hàng quan tâm về dự án sau khi triển khai về hạ tầng.

Muốn làm dự án nhà ở cao cấp 2.110 tỷ đồng, Sufat Việt Nam có gì? - Ảnh 1.

Công ty TNHH Sufat Việt Nam là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ và trúng gói thầu dự án Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ - nhà ở cao cấp (Lavida Green) có tổng chi phí thực hiện 2.110 tỷ đồng.

Chân dung Công ty Sufat Việt Nam

Công ty TNHH Sufat Việt Nam được thành lập ngày 8/8/1996 (tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Phạm Tú) có trụ sở tại khu công nghiệp Phố Nối - Yên Mỹ - Hưng Yên. Công việc kinh doanh của Công ty Phạm Tú khi đó là buôn bán xe máy với số vốn điều lệ ban đầu là: 100 triệu đồng.

Quyết định chuyển hướng từ buôn bán thuần túy sang sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Phạm Tú được đánh dấu bằng việc xây dựng Nhà máy sản xuất lắp ráp động cơ, xe máy Việt Trung tại KCN Phố Nối B Yên mỹ Hưng yên ngày 15/11/2000. Tổng vốn đầu tư ban đầu là: 74,25 tỷ VND. Thời điểm này, Sufat cũng cho biết, có khoảng 50-60% linh kiện xe máy được nhập khẩu, phần còn lại mua trong nước và sản xuất tại chỗ.

Ở giai đoạn Sufat đầu tư vào sản xuất và lắp giáp xe máy cũng là thời kỳ mà xe máy Trung Quốc (hoặc phần lớn linh kiện có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập về để lắp ráp) tràn ngập thị trường Việt nam. Giá rẻ và mẫu mã phong phú nhờ chiến thuật "làm nhái" các mẫu xe đang được ưa chuộng chính là ưu thế của dòng sản phẩm này. Xe máy không còn là ước mơ xa vời của rất nhiều người dân Việt nữa. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó người tiêu dùng đã nhận thấy các vấn đề về chất lượng và sự thiếu vắng những cam kết đằng sau việc bán hàng của một thương hiệu đích thực. Thị phần xe do các doanh nghiệp trong nước sản xuất lắp ráp giảm từ 57% năm 1999 xuống 15% năm 2010.

Tới ngày 31/3/2004 vốn điều lệ của Sunfat đã tăng lên 106 tỷ, tên Công ty được đổi thành Công ty TNHH Sufat Việt Nam.

Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất mô tô, xe máy; chi tiết: Sản xuất, lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện; sản xuất bộ phận và linh kiện cho xe mô tô.

Tại thay đổi 6/2016, công ty có vốn điều lệ đạt gần 249,5 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Cường sở hữu 90,2%, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (có cùng địa chỉ thường trú với ông Phạm Cường) góp 4,85% và Nguyên Văn Biển góp 4,95%. Đến tháng 11/2019, ông Phạm Cường chuyển toàn bộ sở hữu cho bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, theo đó, sở hữu của bà Tuyết được nâng lên hơn 95%.

Đến tháng 4/2022, Sufat Việt Nam tăng vốn lên 693 tỷ đồng, trong đó, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết góp 658,7 tỷ đồng (hơn 95%) và ông Nguyễn Văn Biển góp 34,3 tỷ đồng (4,95% vốn điều lệ).

Theo dữ liệu của Vietnamfinace, những năm gần đây Sufat Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đều tăng trưởng đều đặn, song lợi nhuận chưa khi nào có lãi.

Cụ thể, năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 569 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 39 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu Sunfat tăng 27% so với năm trước đó, lên mức hơn 722 tỷ đồng, lỗ sau thuế 26 tỷ đồng.

Đến năm 2021, Sufat Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần 855,9 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước đó nhưng lợi nhuận sau thuế âm 35 tỷ đồng.

Giai đoạn 2019-2021, tổng tài sản của Công ty Sufat Việt Nam không ngừng gia tăng qua 3 năm qua từ 334,1 tỷ đồng năm 2019 lên 452,7 tỷ đồng năm 2020 và 517,9 tỷ đồng vào năm 2021.

Chiếm phần lớn trong tài sản của Sufat Việt Nam là tài sản ngắn hạn, đặc biệt là các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 103,3 tỷ đồng lên 285,4 tỷ đồng (tăng 2,7 lần trong vòng 3 năm).

Nợ phải trả của Sufat Việt Nam cũng không ngừng gia tăng trong 3 năm qua từ 329,2 tỷ đồng năm 2019 lên 473,9 tỷ đồng năm 2020 và năm 2021 là 574,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty trong 3 năm qua trồi sụt rất mạnh, từ 4,9 tỷ đồng (năm 2019) xuống âm 21,18 tỷ đồng (năm 2020) và âm tới 56,2 tỷ đồng vào năm 2021.

Dữ liệu cho thấy đến tháng 5/2022, Sufat Việt Nam là chủ sở hữu của cụm nhà xưởng có diện tích gần 1ha, tại các thửa đất số 167 và số 262, tờ bản đồ số 08, phường Minh Đức, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Tháng 6/2021, các thửa đất số 167 và số 262, tờ bản đồ số 08, phường Minh Đức, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên của Sufat Việt Nam được Ngân hàng định giá hơn 85 tỷ đồng; tuy nhiên, 1 năm sau các thửa đất này được định giá lên đến 183 tỷ đồng.



An Vũ
Cùng chuyên mục