Muôn màu xung quanh nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam

04/05/2019 15:13 GMT+7
Khác với các ngành, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một lĩnh vực với tính chất đặc thù, đòi hỏi những bước đi táo bạo và sáng tạo đột phá trong đầu tư kinh doanh để bắt kịp xu hướng thị trường. Tuy số doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào NNCNC còn rất hạn chế, xong những sự nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ vào thay đổi những bước đi truyền thống của nông nghiệp cũng rất đáng được ghi nhận.

Nhìn chung về nông nghiệp chất lượng cao

Theo vụ Khoa học công nghệ - Bộ nông nghiệp và PTNT, NNCNC là nền nông nghiệp được ứng dụng những công nghệ mới vào trong sản xuất, các công nghệ đó bao gồm tự động hóa, cơ giới hóa các khâu của sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới,...

Nền NNCNC có những đặc trưng riêng như: Vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn với, áp dụng những tri thức vào khâu sản xuất, nuôi trồng, quy trình chặt chẽ và ít phụ thuộc vào con người,... Đặc biệt, rất ít doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào NNCNC bởi nó đòi hỏi một vốn đầu tư lớn và khả năng rủi ro cũng nhiều hơn các ngành khác bởi nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thị trường.

Những bước đi đầu tiên

Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính

Công ty Cổ phần Việt – Úc (doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh tại Bạc Liêu) là đơn vị tiên phong ứng dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Công ty đã đầu tư hơn 180 tỷ đồng trên diện tích 50ha, đạt sản lượng 40 -80 tấn/ha/vụ, khoảng 300 tấn/ha/năm. Ước tính sản lượng tăng từ 10 – 15 lần so với cách nuôi tôm truyền thống của nhiều hộ dân.

“Tại Việt Nam, có nhiều mô hình nuôi tôm khác nhau như nuôi quản canh có mật độ 3 – 6 con/m2, bán thâm canh mật độ cao hơn có thể từ 70 – 100 con/m2. Còn mô hình nuôi siêu thâm canh sẽ có mật độ 300 – 500 con/m2. Khu nuôi siêu thâm canh được ứng dụng những công nghệ cao như công nghệ nhà màng Israel, công nghệ lọc nước tuần hoàn theo chu kỳ của Đức và Mỹ, công nghệ vi sinh…”, ông Đặng Quốc Tuấn – Phó Tổng giám đốc Công ty Việt – Úc cho biết.

Ông Ngô Quốc Hùng, xã Long Điền Long A, huyện Đông Hải cho biết, đã áp dụng nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới hơn 1.000m2, cho thu hoạch 2 vụ, thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại, ông tiếp tục nuôi vụ 3, tôm đã gần 3 tháng phát triển rất tốt. Nếu vụ này thành công thì sẽ mở rộng, đầu tư thêm diện tích nuôi.

Với chi phí đầu tư vào khoảng 7 tỷ đồng/ha, nếu so sánh với chi phí đầu tư mô hình khác, rõ ràng cao hơn gấp khoảng 10 lần. Tuy nhiên, mô hình đầu tư này là hướng đi mới có thể giúp ngành nuôi tôm xuất khẩu của Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh để vượt qua những rào cản kỹ thuật và thương mại mà nhiều thị trường đang dựng lên. Bởi vì, mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng chi phí vận hành lại rẻ hơn nhiều và có thể giảm thiểu được rủi ro trong nuôi tôm. Tôm đảm bảo chất lượng và đẹp về mẫu mã hoàn toàn có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mĩ, Nhật Bản,...

Theo tính toán cụ thể tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, trong tổng diện tích gần 420ha, khu vực nuôi tôm siêu thâm canh 270ha, diện tích mặt nước nuôi khoảng 200ha, với năng suất nuôi từ 100 - 300 tấn/ha. Sản lượng khoảng 25.000 - 30.000 tấn, tạo ra giá trị khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và của vùng theo đó được tăng lên, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 2 lần, đạt từ 600 - 800 triệu USD/năm.

Đến cả một thành phố

Sản xuất NNCNC ở Đà Lạt trong những năm gần đây phát triển khá mạnh theo hướng an toàn, bền vững. Trong đó, chú trọng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm đối với các loại cây trồng chủ lực; đặc biệt, gắn sản xuất NNCNC với phát triển du lịch, dịch vụ; củng cố các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu đặc trưng…đang là bước đi “đúng hướng”, mở ra nhiều triển vọng cho NNCNC của Đà Lạt - Lâm Đồng.

Trên địa bàn TP. Đà Lạt đã hình thành và hoạt động nhiều trang trại, mô hình liên minh và các HTX sản xuất, phân phối, tiêu thụ rau, hoa và các mặt hàng nông sản. Đến nay, Đà Lạt có 39 HTX, 80 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp; 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; có 13.200 hộ sản xuất nông nghiệp; 181,6ha được cấp nhãn hiệu chứng nhận hoa; 821,3ha được cấp chứng nhận rau; 13 chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cà phê tại Cầu Đất…

Toàn thành phố hiện có 4.500ha/5.350ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó 1.617 ha nhà kính, nhà lưới; thu nhập bình quân đạt 220 triệu đồng/ha/năm, hoa cắt cành 650-700 triệu đồng/ha/năm, rau cao cấp 550 triệu đồng/ha/năm, chè cành chất lượng cao đạt 350 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt có những mô hình ứng dụng NNCNC được Bộ NN-PTNT công nhận như Công ty TNHH Agrivina (Dalat Hasfarm), Công ty Cổ phần sinh học Rừng Hoa Đà Lạt và Công ty TNHH Đà Lạt GAP… có giá trị sản xuất đạt 2 tỷ đồng/ha/năm.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Nhật Bản – một đối tác đầy tiềm năng của thị trường nông nghiệp Việt Nam. Nhật Bản không chỉ cung cấp cơ sở vật chất, kĩ thuật mà đối tác chiến lược này còn là “bậc thầy” trong công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản cũng đang thực hiện dự án hỗ trợ các địa phương tại Việt Nam. Cuối năm nay, Công ty OTA Kaki sẽ hoàn thành dự án phát triển thị trường hoa chất lượng cao, với hệ thống phân phối hiệu quả tại tỉnh Lâm Đồng. OTA Kaki phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện dự án này. Cũng tại Lâm Đồng, Công ty Nikko Foods đang thực hiện dự án trị giá 820.000 USD về phát triển cà chua chất lượng cao. Và nếu sản xuất theo chuẩn công nghệ Nhật, giá trị cà chua có thể tăng gấp 6-7 lần.

Bài toán khó khăn chưa có lời giải...

Thiếu vốn

Tuy lợi ích đem lại là rất lớn, ai cũng có thể nhận ra nhưng để đầu tư vào NNCNC lại là một bài toán khác. Ngoài đất đai, thiếu hụt vốn cũng đang là rào cản lớn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao vì đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thường đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhập thiết bị nhưng hiện nay dòng vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp rất thấp.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, năm 2018 sản xuất nông nghiệp đóng góp 14,57% GDP nhưng đầu tư cho nông nghiệp chỉ đạt 5-6 % GDP.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho biết, để thành lâp và phát triển một trang trại nuôi quy mô trung bình ứng dụng công nghệ cao cần chi phí cao gấp 4-5 lần so với trang trại nuôi truyền thống, còn đầu tư 1 ha nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước, phun sương, bón phân tự động hóa theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10 tỷ đồng.

Với số tiền lớn như vậy, những doanh nghiệp nhỏ, người khởi nghiệp không đủ sức để đầu tư, trong khi đó các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực khác thu hồi vốn nhanh và ít rủi ro hơn.

Thiếu nguồn nhân lực

Để phát triển NNCNC thì bắt buộc cần một nguồn nhân lực có tri thức, am hiểu về khoa học – kĩ thuật và có sự sáng tạo không ngừng. Mà thực tế ở nước ta hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp đang thiếu trầm trọng. Bên cạnh đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa bám sát yêu cầu của thực tế cuộc sống. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm cản trở việc thực hiện các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với những vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2017 lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực nông thôn gần 37 nghìn người, chiếm hơn 70%. Tuy nhiên tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo chỉ đạt gần 20%, đây là con số đáng báo động, cho thấy sự thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao trầm trọng.

Thiếu cơ sở hạ tầng

Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải có đất đai với quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Ở nước ta hiện nay, việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm. Chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, những vị trí thuận lợi thường được ưu tiên cho xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, khu vui chơi giải trí.

Thêm vào đó, đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn còn rất manh mún, cả nước có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 10 triệu ha với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân. Với tình trạng này, nếu Nhà nước và các cấp chính quyền không có những giải pháp thúc đẩy tích tụ tập trung những diện tích đất đai nhỏ lẻ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thì khó có thể khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây do thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Song, so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao thì vẫn còn khoảng cách khá xa.

 

Mai Trang
Cùng chuyên mục